Tư nhân hóa một phần tập đoàn dầu mỏ lớn nhất Nga Rosneft

Tập đoàn dầu mỏ lớn nhất Nga Rosneft đã đạt được thỏa thuận bán 19,5% cổ phần của mình, trị giá 10,5 tỷ euro (11,3 tỷ USD) cho Tập đoàn khai thác mỏ Glencore (Anh - Thụy Sĩ),
Tư nhân hóa một phần tập đoàn dầu mỏ lớn nhất Nga Rosneft ảnh 1Biểu tượng của Tập đoàn Rosneft tại trụ sở ở Mátxcơva ngày 17/5/2011. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tập đoàn dầu mỏ lớn nhất Nga Rosneft đã đạt được thỏa thuận bán 19,5% cổ phần của mình, trị giá 10,5 tỷ euro (11,3 tỷ USD) cho Tập đoàn khai thác mỏ Glencore (Anh - Thụy Sĩ), thông qua Quỹ chủ quyền Qatar.

Ngày 7/12, Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin đã trực tiếp báo cáo với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin về thỏa thuận trên.

Trước đó, Rosneft đã tiến hành đàm phán với hơn 30 ứng cử viên là các công ty, quỹ, các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ tài sản có chủ quyền, các tổ chức tài chính của châu Âu, Mỹ, Trung Đông và các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và cuối cùng Tập đoàn Glencore có trụ sở tại Thụy Sĩ được lựa chọn.

Tổng thống Putin đánh giá cao sự kiện này và gọi việc bán cổ phần của Rosneft là một trong những giao dịch năng lượng lớn nhất của năm, xét trên quy mô toàn cầu. Theo số liệu của Reuters, tập đoàn Rosneft hiện có giá trị thị trường khoảng 59,17 tỷ USD.

Ngay sau động thái trên, trên thị trường giao dịch chứng khoán Moskva, đồng USD đã giảm 0,8% xuống còn tương đương 63,36 ruble (rúp), đồng euro giảm 0,38% còn tương đương 68,17 ruble.

Về phần mình, tập đoàn Glencore thông báo dự kiến khoảng giữa tháng 12 này sẽ hoàn tất giao dịch với Rosneft.

Truyền thông phương Tây và giới chuyên môn nhận định đây là cơ hội để Glencore tái khẳng định là một nhà kinh doanh năng lượng lớn trên trường quốc tế.

Rosneft và Glencore có mối quan hệ lâu dài. Ngay từ năm 2012, Glencore và Vitol đã giành được hợp đồng của Rosneft cung cấp 67 triệu tấn dầu trong thời hạn 5 năm, bắt đầu từ năm 2013.

Trong đó Vitol chỉ đảm đương 20,1 triệu tấn, tức là khoảng 4 triệu tấn dầu mỗi năm. Phần còn lại thuộc về Glencore.

Từ đầu năm nay, Tổng thống Nga Putin đã chủ trương tư nhân hóa một số doanh nghiệp lớn, giúp nước này khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế.

Theo thông báo ngày 2/2 vừa qua của Chính phủ Nga, các doanh nghiệp như Hãng hàng không Aeroflot, tập đoàn dầu khí Rosneft, công ty viễn thông Rostelecom, hãng vận chuyển hàng hải Sovkomflot và công ty thủy điện nhà nước RusHydro có thể sẽ được xem xét để tư nhân hóa.

Chính phủ Nga nắm giữ phần lớn cổ phần trong các công ty trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục