Tử thần gọi, đừng thưa!

Hàng ngàn số phận chống chọi với tử thần

Vẫn biết, tử thần gọi ai nấy đi. Song, ở thôn Tựu Liệt (Thanh Trì, Hà Nội), hàng ngàn số phận đang kiên trì chống chọi với tử thần…
Nhiều bệnh nhân khi mắc căn bệnh ung thư quái ác cho rằng, tử thần gọi ai nấy đi. Song, ở thôn Tựu Liệt (xã Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội), hàng ngàn số phận đang kiên trì chống chọi với tử thần…

Nơi “tụ họp” nỗi đau

Anh Lâm Văn Khánh (quê ở Yên Khánh, Ninh Bình), trọ tại nhà trọ Kim Dung, nói rằng anh bị bệnh ung thư vòm họng, phát hiện ra từ tháng 10/2008. Lẩy bẩy lấy nước mời khách, anh than, số mình giờ chỉ làm hại vợ con.

Bị căn bệnh quái ác này hành hạ, anh Khánh hầu như chẳng làm được trò trống gì. Có bệnh vái tứ phương, thuốc nam, bắc đủ cả mà cũng chả ăn thua, anh đành phải cậy nhờ Tây y.

Ra Hà Nội, tốn kém đủ bề. Của cả bao năm tích cóp cũng nướng theo tiền thuốc thang. Bố vợ anh cũng phải bỏ bê việc đồng áng ra chăm sóc cậu con rể. Vợ anh phải bán đi cả chiếc máy cày – phương tiện kiếm sống trước kia của cả gia đình, rồi cả suất đất 100m2 cũng phải đem bán lấy tiền trị bệnh.

Nhưng ngần ấy tiền cũng chả thấm tháp vào đâu, vợ anh đành thế chấp sổ đỏ vay 20 triệu đồng lấy tiền lo cho chồng. Rồi vay mượn hàng xóm, anh em họ hàng… Anh Khánh nhẩm tính, sau hơn nửa năm ở Hà Nội, anh đã ngốn của gia đình đến 60 triệu đồng.

Mắt nhìn xa xăm, anh Khánh nghĩ đến quê mình đang cấy vụ mùa. Nỗi cực nhọc chăm sóc con cái và một mẫu ruộng oằn vai người vợ trẻ. 3 đứa con anh, đứa lớn mới lên 6, đứa bé giờ mới lên 2…

Xoa xoa tay lên cái đầu trọc lóc, anh Khánh nói, phải truyền hóa chất cách đây 2 tháng. Sau hơn một tuần thì tóc rụng sạch, hễ mọc lại thì lại đến đợt truyền mới, lại rụng. Giờ thì chả biết nếu về quê, đứa con 2 tuổi có nhận ra bố không.

Ở một giường khác, bà Võ Thị Dung (Diễn Châu, Nghệ An) đang được cô con gái học lớp 12 xoa bóp chân. Bà khóc mếu kể rằng, mình bị u âm đạo. Chữa trị tại bệnh viện K từ đầu năm, tốn nhiều tiền, song bệnh vẫn chưa hề thuyên giảm.

“Gia đình tui làm ruộng, chẳng có nhiều tiền nên phải thế chấp sổ đỏ rồi. Giờ chỉ mong khỏi bệnh để về làm việc trả nợ thôi,” bà Dung nói.

Dìu nhau chống lại tử thần

Nhà trọ Kim Dung có một phòng lớn với 6 cái giường. Ông Dinh (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) bị căn bệnh hạch di căn xúc động trước nghĩa cử của những người đồng cảnh: "Có lần, người nhà tôi chưa kịp chuyển tiền lên, những người bạn sơ giao đã sẵn lòng cho mượn tiền để chi tiêu tạm thời," ông nói.

Bà Dung, chủ nhà trọ thì kể, cảnh những người còn khoẻ mạnh nhường chỗ tắm, nước nóng cho người yếu dùng trước là việc thường ngày nơi đây. Nhiều người “trọ thâm niên” đã trở nên thân thiết với nhau. Người ta xoa lưng, đấm bóp cho nhau khi người nhà về quê hoặc không có ai chăm sóc.

Sáng sáng, người khoẻ lại dìu dắt người yếu đi bộ từ nhà trọ sang bệnh viện chữa trị. Buổi trưa, có khi họ lại góp tiền cử ra một người nhà nấu cơm ăn chung cho đỡ buồn. Khi cơn đau hành hạ bật ra tiếng kêu rên là cả phòng hầu như không ngủ để thức trông chừng.

“Hễ có người nhà đến thăm mang thức ăn, hoa quả… bệnh nhân nọ lại gọi bệnh nhân kia và cả chủ nhà chung vui," bà Dung nói.

Còn anh Khánh thì không nén nổi xúc động: "Nhiều khi đau bụng lúc nửa đêm, "hàng xóm" hay bà chủ nhà trọ lại mang thuốc xuống cho không."

Ngoài người bệnh, "đội ngũ" người nhà đi chăm sóc cũng tạo thành một tập thể khăng khít. Họ san sẻ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hàn huyên chuyện gia đình, chuyện đồng áng đến chuyện… thế giới. Có người còn chỉ bảo cho nhau cách làm ăn, hướng dẫn nhau cách chăm sóc người bệnh… "Đã từng có người đi chăm nom bệnh nhân rồi… thành cặp uyên ương," chủ nhà trọ Mùi Đạt nói.

Nỗi đau cùng cảnh ngộ khiến họ như xích lại gần nhau hơn, đồng cảm với nhau trong cuộc chiến đấu nghiệt ngã giành sự sống. "Có người hẹn với tôi gặp lại nhau vào tháng tới, nhưng khi đến hẹn, họ không đến. Chắc lại… không qua được rồi" - anh Khánh buồn bã.

"Cảm động hơn nữa là trường hợp những người bạn trọ lo lắng ra bưu điện gọi điện thoại hỏi thăm lý do không… đúng hẹn" - Bà Dung ngùi ngùi.

Bao giờ hết cảnh nhọc nhằn?


Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Hiển, Chủ tịch Hội đồng Khoa học bệnh viện K thì ung thư là bệnh mãn tính, hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp. Do đó, người bệnh cần phải đến các cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

“Nếu bệnh nhân phát hiện ung thư muộn, nếu điều trị đúng phương pháp có thể kéo dài hoặc cải thiện cuộc sống. Bởi vậy, khi phát hiện bị mắc bệnh ung thư, bệnh nhân không nên tuyệt vọng mà phải tin tưởng vào y học. Trên thực tế, nhiều người sau khi điều trị hợp lý đã kéo dài tuổi thọ, có người đến 20 năm…,” ông Hiển nói.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, một bác sĩ của bệnh viện K thừa nhận tình trạng thiếu giường bệnh hiện nay tại cơ sở ở Tam Hiệp.

Vị bác sĩ này nói rằng, bệnh viện có 165 giường bệnh thì có đến hơn 200 bệnh nhân nội trú. Đi kèm với bệnh nhân bao giờ cũng có người nhà chăm sóc, nên tình trạng quá tải là dễ xảy ra.

Lý giải tình trạng bệnh nhân trọ ngoài, vị này nói, có nhiều bệnh nhân hết đợt điều trị, song muốn ở lại để tiện theo dõi. Việc quá tải một phần cũng bởi nhiều người bệnh không tuân thủ chữa bệnh theo tuyến mà thường vượt lên cấp trung ương.

Có thời gian giữ trọng trách Phó giám đốc bệnh viện K, Phó giáo sư Hiển nói rằng, chống quá tải ở bệnh viện này là điều quá khó. Ông cho hay, ngoài việc hiện đã quá thuận tiện về giao thông thì trình độ của ngành y tế các địa phương trong chẩn đoán, điều trị ung thư vẫn thiếu và yếu. Hơn nữa, bệnh nhân thường có tâm lý chóng khỏi bệnh nên việc vượt cấp là điều thường thấy.

Được biết, bệnh viện K đang xây dựng cơ sở thứ 3 ở xã Tân Triều, quy mô 1.000 giường bệnh. Theo kế hoạch, đến năm 2010, cơ sở này sẽ đi vào hoạt động, giúp giảm quá tải bệnh nhân ở một số cơ sở hiện tại./.
Trung Hiền – Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục