Tự tìm khán giả

Danh hài miền Bắc tự lực cánh sinh tìm khán giả

Trong khi các đoàn nghệ thuật, nhà hát  tìm đường thoát khỏi bế tắc thì các danh hài miền Bắc cũng tự tìm khán giả cho mình.
Trong khi các đoàn nghệ thuật, nhà hát đang loay hoay tìm đường thoát khỏi bế tắc thì các danh hài lên đường tự tìm khán giả cho mình, theo tiêu chí “tự lực cánh sinh”.

Minh Vượng: Diễn miễn phí cho người nghèo và trẻ em

“Sân khấu hài miền Bắc đúng là đang đóng băng. Người miền Bắc mình vốn tính kiếm được mười đồng thì tiêu một đồng, trong khi trời nóng thế này, cứ ở nhà bật tivi lên xem... cho mát. Tivi bây giờ có nhiều chương trình giải trí hấp dẫn lắm.

Gần đây nhất thì tôi tham gia làm giám khảo cho chương trình Đồ Rê Mí (trên VTV3). Hiện nay, sân chơi dành cho các em không nhiều, vì thế, hài kịch của tôi vẫn luôn dành cho trẻ em.

Giữa tháng 5, tôi nhận lời mời của báo Thanh Niên, đi diễn cùng diễn viên Minh Hòa, Minh Béo, ca sĩ Nguyên Vũ, Cao Thái Sơn, người mẫu Bình Minh ở huyện Quế Sơn, Quảng Ngãi. Đây là chương trình đi diễn miễn phí cho người nghèo. Nhờ thế, chương trình chúng tôi có đến hơn 10.000 người xem.

Cuối tháng 5, tôi đi diễn phục vụ cho trẻ em điều trị ở các Bệnh viện Việt Nam-Cuba, Viện Mắt Ttung ương. Tôi thì diễn không lấy cátsê, còn các diễn viên khác thì lấy một chút gọi là có cốc nước mát cho ngày hè nóng nực.

Ngoài ra, tôi cùng Minh Hòa diễn miễn phí cho các bệnh nhân nhí ở Bệnh viện Nhi Trung ương cũng như các bạn trẻ đến đó hiến máu nhân đạo. Mỗi khi nhìn thấy trên gương mặt xanh xao của các bé rạng rỡ nụ cười, tôi thấy cảm động lắm. Bản thân mình thì cũng ốm yếu, một tuần vẫn ba lần đến viện, nhìn thấy các em vui là tôi cũng rất vui.

Nhiều đêm âm thầm độc diễn, đóng hai, ba vai trong một vở... cũng chỉ mong các em có thêm niềm tin vào cuộc sống. Tiền với tôi không quan trọng bằng được mang niềm vui đến với người nghèo và các em nhỏ. Người ta bảo tôi chạy sô nhiều thế chắc là có nhiều tiền lắm, nhưng đa phần là chạy sô... miễn phí thôi.

Gần đây nhất là cuối tháng 6, vở Ngọc người do tôi viết kịch bản đã ra mắt tại Hội trường Nhà hát Kịch Trung ương”.

Công Lý: Thu nhập có cao bao giờ đâu mà sợ thấp!

“Bạn hỏi tôi hiện đang làm gì à? Tôi đang ở chỗ rửa xe. Đấy, mình... nghèo thế cơ mà, anh em bạn hữu thì nô nức đi nghỉ mát, đi du lịch cả, chỉ có mình ở nhà thế này thôi. Đùa vui vậy, chứ vào thời điểm này thì tôi chưa làm gì cả ngoài việc đang làm bài tốt nghiệp cho khóa đào tạo đạo diễn của Trường Sân khấu Điện ảnh, tháng 11 thì bảo vệ.

Vừa qua, tôi đã tham gia hai bộ phim truyền hình dài tập Cuồng phong (đạo diễn Bùi Huy Thuần) và Siêu thị tình yêu (đạo diễn Danh Dũng).

Trong cả hai phim, tôi đều diễn vai phản diện nhưng không có chất hài. Thi thoảng, có đi diễn hài ở ngoại thành Hà Nội hoặc Nam Định, Ninh Bình... Cơ quan tôi (Nhà hát Kịch Hà Nội - PV) đang có chùm hài Cười ơi, đã diễn được 2 năm. Làm chùm hài thì bên Nhà hát Tuổi trẻ tiến hành rất lâu rồi. Cơ quan thấy việc xã hội hóa sân khấu hài là cần thiết, nên bảo tôi làm.

Để dựng vở, anh em trong đoàn xúm nhau vào mỗi người góp một ít, kịch bản thì tự viết, ai không viết được thì nhờ viết. Cuối cùng Cười ơi cũng ra lò với 5 tiểu phẩm hài, mỗi tiểu phẩm dài từ 15 đến 20 phút.

Khác với bên Nhà hát Tuổi trẻ quảng bá “rầm rộ”, chúng tôi thì không có tí quảng cáo nào, nguyên nhân cũng do không muốn “bắt chước” cái người ta đã làm rồi. Niềm động viên lớn nhất của chúng tôi là thời gian đầu, khán giả đi xem rất đông, mọi người đều thích nhưng rồi cũng chả lâu được, dần dần cũng thoái trào.

Lúc này, sân khấu hài rất vắng khán giả, tình trạng chung cả thôi, nhưng chúng tôi vẫn diễn được, được vở nào hay vở ấy. Còn thu nhập thì thế nào ư? Có cao bao giờ đâu mà sợ thấp! (cười)”.

Tự Long: Tôi và Xuân Bắc lúc nào cũng có việc để làm

“Các đêm diễn hài kịch nhân ngày 1/ 6 dành cho thiếu nhi vừa qua làm chúng tôi giờ vẫn thấy mệt. Đó là chưa kể tới các trường tổng kết năm học, các cơ quan đoàn thể tổ chức trao phần thưởng cho con em mình đều mời chúng tôi tới diễn. Quả thực các nghệ sĩ hài có nhiều việc để làm trong các dịp như thế, tôi và Xuân Bắc không ngoại lệ.

Vào thời gian này, các cháu đi nghỉ mát, về quê, bố mẹ các cháu cũng... đi theo, thế nên lượng khán giả của chúng tôi giảm sút hẳn, sân khấu hài không còn nóng nữa. Tôi thì tập tành ở đoàn, Xuân Bắc thì làm việc với bên truyền hình.

Sắp tới, chúng tôi sẽ tập các chương trình dành cho Trung Thu. Tôi và Xuân Bắc cố gắng một năm cho ra đời 1 đến 2 tác phẩm hài, nếu không sẽ bị cũ mòn đi. Ví như năm ngoái, vở hài kịch cho ngày 1/6 là Năm anh em siêu nhân, năm nay là X-men giải cứu công chúa. Khán giả chủ yếu vẫn là các em nhỏ.

3 năm nay, chúng tôi tập trung làm các vở diễn cho các em từ 4 đến 12 tuổi. Cái chính không phải vì chuyện tiền, mà bởi muốn có sân khấu hài dành riêng cho trẻ em. Để có hài kịch cho trẻ em, chúng tôi phải nắm bắt hiểu rõ tâm lý từng lứa tuổi. Ngoài ra, trong mỗi vở, chúng tôi đều đưa các nhân vật cổ tích vào để các em thấy gần gũi.

Ngày trước chúng tôi có đi tỉnh, nhưng chỉ diễn ở các chương trình có uy tín. Giờ thì không bởi các ông bầu “cò con” quá! Cả chương trình chỉ có 1 đến 2 diễn viên “xịn” hoặc lấy tên diễn viên câu khách mà không có diễn viên.

Có lần, mấy người bạn ở Lạng Sơn gọi điện trách tôi sao diễn ở Lạng Sơn mà không liên lạc với họ. Kỳ thực là mình có đến Lạng Sơn đâu. Kiểu làm việc “treo đầu dê bán thịt chó” này làm khán giả bức xúc, giảm uy tín của chúng tôi nhiều lắm.

Với diễn hài, chúng tôi tự lực cánh sinh chứ không theo đoàn. Tôi và Xuân Bắc tự tìm tòi, tự lên kế hoạch, tự mày mò từ kịch bản đến tập diễn. Điều may mắn là chúng tôi được các công ty tổ chức chào mời khá nhiệt tình từ trước, thế nên chúng tôi cũng phải tự tìm người tổ chức biểu diễn phù hợp cho mình. Cái hay của “tự lực cánh sinh” là mình có thể làm những gì mình thích"./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục