Từ vụ nổ gas, giật thót vì ngẫm thấy mình quá… liều

Vụ nổ bếp ga dẫn tới tai nạn thương tâm đã khiến không ít người giật mình vì nhận ra, bản thân họ đã quá chủ quan với bếp nhà mình.
Vụ nổ bếp gas dẫn tới tai nạn thương tâm của gia đình anh Trần Nhật Minh ở phường Bách Khoa (Bạch Mai, Hà Nội) đã khiến không ít người giật mình vì nhận ra, chính bản thân họ cũng đã quá chủ quan với bếp nhà mình.

Chị Đỗ Thị Bích Ngọc (ở Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, bếp gas nhà chị đã dùng khá lâu, là bếp đôi nhưng từ nhiều tháng nay nó đã trở thành bếp đơn vì một bên bị hỏng. “Tôi tính phải thay bếp từ lâu nhưng cứ chần chừ. Hôm nay, nhìn cảnh gia đình anh Minh, tôi thấy mình quá… liều. Ngày mai phải xúc tiến ngay mới được,” chị Ngọc chia sẻ.

Chị Ngọc cho biết, không chỉ riêng chị mà vấn đề bếp gas đã trở thành chủ đề nóng của cả cơ quan từ sáng tới giờ. Mọi người vừa lo lắng theo dõi thông tin đội giải cứu hai cháu bé ở phường Bách Khoa, vừa tính xem loại bếp gas nào là an toàn nhất. Chị cho biết: “Nghe mọi người chia sẻ mới thấy, không chỉ tôi mà rất nhiều người chủ quan với an toàn bếp gas.”

Giống như chị Ngọc, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh ở quận Cầu Giấy, cũng đứng ngồi không yên trước “bài học nhãn tiền” là vụ nổ gas sáng nay ở Bạch Mai. Thay vì tranh thủ ngủ như mọi ngày, cả buổi trưa nay chị chỉ làm một việc duy nhất là lướt trang web của tất cả các cửa hàng điện máy, hàng bán bếp gas để tìm một chiếc ưng ý với tiêu chí số một là đảm bảo an toàn. “Tìm hiểu mới thấy bếp gas có quá nhiều loại, từ vài trăm đến vài triệu đồng. Nhưng chắc tôi sẽ phải mua loại đắt tiền, có khóa ga tự động mới yên tâm được,” chị Quỳnh chia sẻ.

Nhưng ngay cả khi có bếp “xịn” thì sự chủ quan, lơ đễnh của người sử dụng cũng tiềm ẩn nguy cơ lớn. Kể chuyện cô con gái mà Anh Lâm Quang Thanh, ở Từ Liêm, Hà Nội vẫn chưa hết hoảng:  “Một lần con gái tôi tắt bếp gas nhưng lại không vặn hết cỡ, thấy lửa trên bếp đã tắt nên cháu lên nhà luôn. Một lúc sau tôi xuống bếp, thấy mùi gas sặc sụa mới để ý thấy van bật bếp vẫn còn ở màu đỏ. Hôm nay đọc trên báo thấy tai nạn thảm khốc do nổ gas lại thấy lạnh cả sống lưng. May mà hôm đó tôi không hút thuốc, cũng không có ai vô tình bật bếp lên.”

Anh Thanh bảo, từ hôm đó, anh có dặn con cẩn thận hơn khi dùng bếp, nhưng vẫn không yên tâm.

Còn với chị Lê Kiều Liên, ở chùa Láng, thì sự việc cũng như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Buổi tối hôm đó, chị Liên bật bếp gas đun nước, sơ ý không nhìn lửa đã cháy chưa, chị đã vội đi ra phía bàn nước cách bếp gần 2 mét để đọc tiếp cuốn tạp chí.

Một lát, chị Liên bắt đầu ngửi thấy mùi gas thoang thoảng, quay lại thấy bếp chưa cháy, biết là bị rò gas nên chị Liên vội tắt bếp đi. Nhưng do quán tính và là con gái không có nhiều kiến thức về cháy nổ gas nên chị lại… tiện tay bật bếp ngay sau đó. Lập tức tiếng nổ ầm vang lên, một vùng cháy vụt lóe sáng, cánh cửa ra vào trong căn phòng trọ 20 m2 đang mở bỗng bị đẩy đóng rầm.

“May mà trước đó cửa mở, khí gas bay lên và đã loãng dần trong không khí nên ngọn lửa chỉ vụt cháy trong chớp mắt. Nguyên nhân của tai nạn trên là do bộ phận đánh lửa của bếp không tốt, nên đôi khi phải bật đi bật lại bếp mới bắt được lửa. Rút kinh nghiệm, say này mỗi lần bật bếp tôi phải đợi cho lửa cháy rồi mới yên tâm rời đi chỗ khác,” chị Liên chia sẻ.

Theo anh Hoàng Văn Tươi, chủ cửa hàng ga số 30, thuộc chi nhánh Hà Nội của Công ty Gas Petrolimex (tại 549 Nguyễn Văn Cừ), cách tốt nhất và an toàn nhất là sau khi không sử dụng đun nấu thì nên khóa van bình gas lại. Tránh trường hợp người sử dụng đi ngủ quên không tắt hết bếp, khi sáng ngủ dậy mắt nhắm, mắt mở vô tình bật lửa là rất nguy hiểm.

Nên đề phòng chuột cắn dây dẫn gas với những lỗ nhỏ, lượng gas rò rỉ ít quá, van tự động sẽ không tự ngắt được, bởi thông thường lượng gas đi ra khoảng 2 cân/giờ thì đủ cung cấp cho hai bếp đun, nên lượng gas rò rỉ phải lớn hơn lượng cấp, lên tới khoảng 3 cân/giờ, thì thiết bị mới tự ngắt.

Anh Tươi cho biết, thiết bị an toàn nhất là đầu dò tự ngắt. Tuy nhiên, giá của nó lên tới mấy chục triệu đồng nên thường chỉ sử dụng trong các khu công nghiệp. Ở nhà dân hầu như không sử dụng thiết bị này khi dùng bếp gas đun nấu.

“Cuối cùng, vẫn chỉ còn cách người dân nên tập thói quen khóa van bình gas mỗi khi không sử dụng, đặc biệt là trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, nhân viên cửa hàng gas mỗi khi thay gas cho khách phải lắp đặt cẩn thận và quan sát thiết bị dây dẫn. Khi có những vấn đề thắc mắc, người sử dụng nên gọi điện đến cửa hàng gas nhờ tư vấn hoặc yêu cầu tới nhân viên cửa hàng tới giúp đỡ,” anh Tươi nói./.

Hạnh Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục