Từ vụ trâu chọi húc chết chủ: Ứng xử thế nào với lễ hội truyền thống

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không mang thông điệp về truyền thống, tinh thần thượng võ. Ngày nay, việc gắn cho lễ hội ý nghĩa này khiến cho nguồn gốc và ý nghĩa nội tại của lễ hội này đã bị sai lệch.
Từ vụ trâu chọi húc chết chủ: Ứng xử thế nào với lễ hội truyền thống ảnh 1Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Sự việc châu trọi húc chết chủ tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (trưa 1/7) vừa qua tiếp tục làm dấy lên cuộc tranh luận về việc ứng xử với các lễ hội truyền thống nói chung và những lễ hội có liên quan đến tục “đâm-chém-chọi” động vật nói riêng.

Hiểu sai về bản chất

Giáo sư-tiến sỹ Trần Lâm Biền cho biết: “Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một lễ hội có truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, ngày nay, lễ hội này đang bị hiểu sai, dẫn đến việc thực hành sai lệch, từ đó làm nảy sinh những biến tướng tiêu cực - thương mại hóa.”

[RapNews 31: Chuyện lễ hội với Giáo sư Xoay, lý tình vụ Trang Trần]

Nhà nghiên cứu văn hóa này chỉ rõ, trong quan niệm truyền thống, những nghi thức cụ của lễ hội đều là biểu hiện cho mối quan hệ giữa con người với xã hội, thiên nhiên.

Cụ thể, theo giáo sư-tiến sỹ Trần Lâm Biền, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn gắn với tục thờ Mặt Trăng. Trong khi đó, Mặt Trăng gắn với thủy triều. Bởi vậy, nó thể hiện ý thức hòa hợp với thiên nhiên của cộng đồng cư dân nơi này.


[Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Trâu dự thi húc trọng thương chủ trâu]

Cặp sừng trâu có hình trăng lưỡi liềm. Việc những con trâu chọi nhau tượng trưng cho sự vận động của thủy triều. Bên cạnh đó, trong tâm thức cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, Mặt Trăng cũng gắn với ước vọng về mùa màng tốt tươi.

“Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không mang thông điệp về truyền thống, tinh thần thượng võ. Ngày nay, việc gắn cho lễ hội ý nghĩa này khiến cho nguồn gốc và ý nghĩa nội tại (mã văn hóa) của lễ hội này đã bị sai lệch, méo mó.”

Không chỉ có vậy, ông Biền cũng nhấn mạnh: “Theo truyền thống, trâu chọi không bị giết thịt rồi bán với giá cao (lên đến hàng triệu đồng/kg) như ngày nay. Đây là việc làm thương mại hóa lễ hội. Thay vào đó, con trâu thắng trận sẽ được được đưa ra khơi xa, dùng làm vật tế thần biển với ước mong về việc ra khơi được thuận buồm xuôi gió.”

“Bởi vậy, điều cần cấm là những biến tướng, những hành vi lệch lạc, xa rời ý nghĩa gốc của lễ hội, chứ không phải là cấm toàn bộ việc tổ chức lễ hội,” nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền bày tỏ quan điểm.

“Không thể cứ không quản được thì… cấm!”

Có cùng quan điểm trên, phó giáo sư-tiến sỹ Trương Quốc Bình (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) cho biết: “Từ câu chuyện đáng tiếc lần này, chúng ta phải xem xét lại quy trình tổ chức, công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong lễ hội. Trước các vấn đề phát sinh từ thực tế, nếu cứ giải quyết theo hướng ‘không quản được thì cấm tổ chức,’ chúng ta sẽ mãi ở trong một cái vòng luẩn quẩn, không giải quyết được tận gốc những bất cập, mặt trái.”


[Không cấp phép tổ chức các lễ hội vì mục đích thương mại]

Phân tích sâu hơn về vấn đề, nhà khoa học này cho biết, mỗi lễ hội (ra đời, tồn tại và phát triển) đều mang ý nghĩa riêng, gắn với truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân địa phương. Đây cũng là một trong những thành tố quan trọng của đời sống văn hóa cơ sở. “Bởi vậy, chúng ta không thể đặt vấn đề loại bỏ lễ hội mà bỏ qua ý kiến của người dân địa phương,” ông Bình chỉ rõ.

Từ vụ trâu chọi húc chết chủ: Ứng xử thế nào với lễ hội truyền thống ảnh 2Nhà nghiên cứu Trương Quốc Bình. (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được phục dựng từ năm 1990. Đến năm 2013, lễ hội này được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một lễ hội có giá trị tâm linh lớn; trong hồ sơ xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có cả phần “lễ” và phần “hội.”

Tuy nhiên, hiện nay, phần “hội” đang lấn át phần “lễ,” những người tham gia lễ hội mới chỉ chú ý đến hoạt động chọi trâu mà chưa nhận thức rõ giá trị tinh thần của lễ hội. Trong khi đó, chọi trâu chỉ là một hoạt động của phần “hội,” không bao hàm toàn bộ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Từ đó, đại diện Cục Di sản Văn hóa cho rằng, để di sản này phát huy đúng giá trị, ban tổ chức cần đẩy mạnh phần “lễ,” để du khách hiểu đúng nguồn gốc và giá trị thiêng của lễ hội.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu văn hóa cũng cho rằng, nên “trả” lễ hội về đúng quy mô ban đầu của nó, hạn chế tình trạng nâng cấp, mở rộng lễ hội. “Dẫu rằng, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một sản phẩm du lịch của Hải Phòng. Tuy nhiên, khi lễ hội ngày càng thu hút nhiều người tham dự thì yêu cầu về việc giữ đúng bản sắc truyền thống và vấn đề an toàn cho người tham gia càng phải được thực hiện nghiêm túc. Nếu không giải quyết được rốt ráo những vấn đề này thì lễ hội sẽ ngày càng biến tướng, theo chiều hướng kích động bạo lực,” ông Biền nói.

Trước đó, khoảng 11 giờ 30 ngày 1/7 (tức ngày 8/6 âm lịch), tại sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn (Hải Phòng) đã diễn ra vòng loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017.

Tại kháp đấu 14 đã xảy ra sự cố nghiêm trọng. Khi vừa vào sân, trâu số 18 bất ngờ đuổi, húc chủ trâu đối thủ, rồi sau đó lại bất ngờ quay lại húc chính chủ mình nhiều lần, sừng đâm xuyên đùi trái.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Ban tổ chức đã dừng các kháp đấu còn lại để bảo đảm an toàn cho du khách. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 có 32 trâu tham dự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục