Tứ Xuyên - Vùng đất hấp dẫn giàu bản sắc văn hóa

Tỉnh Tứ Xuyên có phong cảnh sơn thủy hữu tình, với 5 di sản thế giới, cùng nhiều lễ hội đặc sắc của các dân tộc sinh sống nơi đây.
Tứ Xuyên là điểm du lịch hấp dẫn mang lại sự tiện lợi và rút ngắn thời gian cho các tour du lịch.

Mấy năm gần đây để phát triển du lịch, Tứ Xuyên đã liên kết các ngành nghề truyền thống với nhau để trở thành tổ hợp du lịch hoàn thiện như ăn nghỉ, du lịch mua sắm có quy mô hệ thống và tiêu chuẩn nhất định.

Tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, hiện có 500 khách sạn cấp sao, gần 800 công ty du lịch quốc tế và nội địa, 4000 khu cảnh biển, ẩm thực.

Quê hương gấu trúc đầy tiềm năng du lịch


Theo ông Trương Cốc, đại diện Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên, Tứ Xuyên thuộc miền tây của Trung Quốc, vùng đất xinh đẹp, giàu tài nguyên; có thủ phủ tỉnh là thành phố Thành Đô. Tỉnh có diện tích 48,5km2 với 21 thành phố và 88 triệu dân.

Tứ Xuyên có lịch sử văn hóa lâu đời, từ cổ đã được mệnh danh là “Thiên phủ chi quốc” và đặc biệt, nơi đây được trời phú cho tài nguyên du lịch với vị trí địa lý và môi trường đặc sắc, nơi sản sinh nhiều cảnh quan kỳ vĩ mang tính nhân văn.

Du lịch Tứ Xuyên có tài nguyên thiên nhiên phong phú với 5 di sản thế giới như Cửu Trại Câu; Nga Mi sơn, một trong tứ đại Phật giáo danh sơn của Trung Quốc; Lạc sơn Phật đại - tượng phật tạc trên vách núi lớn nhất thế giới; đập Đô Giang - đập nước được xây dựng từ thời nhà Tần, đến nay vẫn hoạt động tốt, cung cấp cho cả vùng rộng lớn của Tứ Xuyên.

Ngoài ra, đây cũng là quê hương của loài gấu trúc nổi tiếng. Quốc bảo Trung Quốc là những con vật cát tường như đại gấu trúc - loài vật được thế giới ưa thích.

Tứ Xuyên chính là Trung Quốc cổ đại thời Tam quốc nước Thục với những nhân vật đặc sắc như Lưu Bị, Quan Vân Trường, Trương Phi, Gia Cát Lượng.

Không chỉ là nơi có di sản văn hóa vật thể đặc sắc, Tứ Xuyên còn là nơi quy tụ của nhiều dân tộc anh em. Ngoài dân tộc Hán, tỉnh còn có 14 dân tộc thiểu số với nhiều lễ hội đặc sắc và nhiều tuyến điểm du lịch.

Mấy năm gần đây Tứ Xuyên mở ra nhiều sản phẩm theo kinh tế thị trường, xúc tiến nhiều tuyến du lịch như du lịch gấu trúc, du lịch di sản thiên nhiên thế giới, phong tình Khang Ba, du lịch qua những miền quê cổ, du lịch nước khoáng nóng, du lịch dưỡng sinh và du lịch ẩm thực. 

Hiện nay, đường giao thông đến với Tứ Xuyên thuận lợi; tỉnh đã hoàn thiện hệ thống khu cảng biển du lịch, các khu ăn uống, nghỉ dưỡng.

Tất cả các yếu tố ấy đã tạo điều kiện tốt cho du lịch vùng này phát triển.

Hợp tác phát triển du lịch

Để tăng cường sự hợp tác về du lịch giữa Việt Nam và tỉnh Tứ Xuyên, ngày 15/10/2009, trong chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Trung Quốc, Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã ký kết biên bản ghi nhớ về sự hợp tác này với Tổng Cục Du lịch Việt Nam.

Ngày 9/3/2010, Chính quyền nhân dân tỉnh Tứ Xuyên đã đến thăm, tìm hiểu cơ hội thu hút đầu tư tại Việt Nam và đã tổ chức ký kết kế hoạch triển khai nội dung biên bản ghi nhớ này.

Hai bên đã thống nhất ký kết kế hoạch thực hiện với 10 nội dung cụ thể gồm mỗi năm hai bên sẽ gặp gỡ tổ chức trao đổi đánh giá chương trình hợp tác du lịch một lần; tổ chức cho doanh nghiệp lữ hành và báo chí hai bên khảo sát, gặp gỡ và xây dựng sản phẩm du lịch.

Đồng thời, hai bên cũng sẽ hợp tác quảng bá du lịch; hỗ trợ xúc tiến du lịch và thu hút đầu tư du lịch; trao đổi thông tin, kết nối mạng du lịch và hợp tác mở đường bay giữa thành phố Thành Đô (Trung Quốc) đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam).

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam, đây là lần đầu tiên tỉnh Tứ Xuyên cử đoàn đại biểu đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Trung Quốc nói chung và tỉnh Tứ Xuyên nói riêng là địa phương có quan hệ gắn bó mật thiết với Việt Nam và các tỉnh của Việt Nam, trong đó có hoạt động du lịch.

Việc ký kết kế hoạch triển khai biên bản ghi nhớ lần này là điểm tựa cho các doanh nghiệp lữ hành hai nước có những chương trình thu hút khách du lịch bằng giới thiệu sản phẩm du lịch, các di sản tài nguyên thiên nhiên tươi đẹp và tiềm năng đất nước, con người hai bên có hiệu quả./.

Đỗ Thảo Nguyên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục