Tuần "kinh hoàng" của thị trường vàng và những kỷ lục

Tính chung cả tuần, giá vàng giảm hơn 5% và mất tổng cộng hơn 11% trong 2 tuần gần nhất, mức giảm trong 2 tuần mạnh nhất kể từ tháng 10/2008.
Có thể nói, tuần qua là một tuần "kinh hoàng" của thị trường vàng thế giới với những kỷ lục đi vào lịch sử. Kim loại quý đã có những phiên "rơi thẳng đứng" và giảm sâu nhất trong lịch sử, với hơn 140 USD/ounce trong phiên đầu tuần 15/4 khi bị giới đầu tư hoảng loạn bán tháo.

Tính chung cả tuần, giá vàng giảm hơn 5% và mất tổng cộng hơn 11% trong 2 tuần gần nhất (từ đầu tuần trước nữa cho tới cuối tuần qua) - mức giảm trong 2 tuần mạnh nhất kể từ tháng 10/2008.

Riêng trong hai phiên thứ Sáu (12/4) và Thứ hai (15/4), giá vàng đã mất tổng cộng 225 USD/ounce, trong khi tính riêng trong cả tuần qua, giá vàng giảm 5%. Còn tính từ đầu năm tới cuối tuần qua, giá vàng sụt khoảng 18%.

Thị trường vàng thế giới cũng ghi nhận một tuần có hoạt động giao dịch kỷ lục. Riêng phiên 15/4 đã có hơn 700.000 hợp đồng được trao tay - con số khổng lồ chưa từng thấy trong lịch sử và cao hơn gấp 4 lần so với mức bình quân 30 ngày. Các quỹ ETF trong khi đó bán ròng 13 phiên liên tiếp, riêng SPDR Gold Trust, quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất, bán ròng gần 100 tấn vàng, đưa lượng nắm giữ xuống mức thấp nhất 3 năm.

Giá vàng lao dốc mạnh ngay từ phiên 15/4 do các số liệu tăng trưởng kinh tế đáng thất vọng của Mỹ và Trung Quốc. Các nhà đầu tư tiếp tục cắt giảm lượng vàng nắm giữ do lo ngại các ngân hàng trung ương đang có xu hướng chấm dứt các biện pháp kích thích kinh tế trong năm nay, khiến sức hấp dẫn của vàng như một công cụ hữu hiệu chống lạm phát, giảm bớt. Trong khi đó, lượng vàng nắm giữ của các quỹ giao dịch toàn cầu cũng bị giảm xuống các mức thấp nhất trong hơn một năm qua.

Đồng USD mạnh lên cùng với khả năng có thể Cộng hòa Síp phải bán vàng trong kho dự trữ quốc gia của mình để chi trả cho gói cứu trợ cũng là nhân tố khiến giá vàng giảm. Theo các nhà phân tích, giá vàng trong phiên này đồng thời phải gánh chịu áp lực cả từ biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed - theo đó có khả năng Mỹ sẽ ngừng các biện pháp kích thích kinh tế) lẫn thông tin về việc Síp có thể phải bán phần lớn vàng trong kho dự trữ quốc gia để chi phí một phần cho hoạt động cứu trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn của họ.

Síp hiện đang dự trữ 13,9 tấn vàng, đạt giá trị tương đương 697 triệu USD, và Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng Síp đang sẵn sàng bán ra 10,4 tấn vàng, có giá trị tương đương với 400 triệu euro (520 triệu USD).

Trong phiên này, tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá vàng đã có lúc rơi tự do, giảm tới 140,3 USD/ounce (tương đương giảm tới 10,9%) xuống 1.361,95 USD/ounce - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2011 và cũng là phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 1983.

Trong các phiên tiếp theo, giá vàng tiếp tục chìm sâu, thậm chí đã có lúc còn bị dìm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm qua là 1.321,35 USD/ounce. Phiên 16/4, lượng vàng do quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ đã giảm 0,73% từ mức 1.154,34 tấn trong phiên ngày 15/4, xuống 1.145,92 tấn. Lượng vàng do các quỹ giao dịch vàng toàn cầu nắm giữ cũng ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 2011.

Những căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên cũng không đủ sức kéo các nhà đầu tư tìm đến vàng như một "nơi trú ẩn an toàn." "Khắc tinh" của kim loại quý trong các phiên này, ngoài "số phận" bấp bênh của chương trình nới lỏng định lượng của Fed, còn là những lo ngại rằng các quốc gia đang nợ “ngập đầu” tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ “nối gót” Cộng hòa Síp bán vàng dự trữ để chi trả cho các khoản nợ khổng lồ của họ.

Trong các phiên này, cũng có lúc giá vàng đã tạm thời "ngóc" lên đôi chút do bị bán tháo quá đà và mức giá đã trượt quá sâu xuống các vùng thấp nhất nhiều năm qua. Và trong phiên cuối tuần 19/4, cũng chính lý do này đã đẩy giá vàng "vùng lên" khi nhà đầu tư tranh thủ giá vàng trượt sâu đã mua vào, song mức tăng cũng chỉ ở mức khiêm tốn 0,6% lên chốt tuần ở mức 1.398,96 USD/ounce.

Trước đó, đã có lúc trong phiên, giá vàng tăng lên đến 1.424,51 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn tháng 6/2013 cũng tăng thêm được 3,10 USD lên chốt tuần ở mức 1.395,60 USD/ounce.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nhiều khả năng vàng vẫn sẽ giảm giá trở lại, trong đó có cả việc tiếp tục bán ra của các quỹ đầu tư và cả khả năng các nhà hoạch định chính sách của Fed có thể không còn quá mặn mà với các gói nới lỏng tiếp theo.

Câu hỏi lớn đặt ra là liệu vàng có đang bắt đầu bước vào xu thế giảm sau 12 năm liên tục đi lên hay không? Kim loại quý đã tăng 12 năm liên tiếp cho đến năm 2012 khi các quốc gia đồng loạt tung ra các gói kích thích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, đà tăng không mệt mỏi của giá vàng đã bị chững lại vào năm 2013 này và tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã giảm 18%.

Nhu cầu tại Ấn Độ - nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới - đang thấp đi một cách đáng ngạc nhiên vào thời điểm này, bất chấp mùa cưới đang tới gần. Wang Tao, nhà phân tích thị trường kỳ cựu của Reuters, thậm chí còn dự báo giá vàng có thể còn giảm xuống mức 1.245 USD/ounce.

Xu hướng thị trường vàng thời gian tới

Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu về hàng hóa cơ bản của SMC COMTRADE LTD, bà Vandana Bharti, vừa đưa ra một số nhận định về thực trạng và xu hướng của thị trường vàng trong thời gian tới.

Theo bà Vandana Bharti, giá vàng trên thị trường thế giới giảm mạnh trong nhiều phiên vừa qua là do một số yếu tố chính như dấu hiệu phục hồi kinh tế tại Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế quan trọng khác, trong khi các ngân hàng trung ương có ý định kiềm chế chương trình kích thích kinh tế. Bà dự đoán, giá vàng trên Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX) có thể giảm xuống mức 1.350 USD/ounce.

Hiện nay, giá vàng đã giảm hơn 15% sau một thập niên tăng. Trong những ngày gần đây, chỉ số Dow Jones đã tăng mạnh và nếu thị trường chứng khoán tiếp tục họat động tốt thì các nhà đầu tư có thể rút tiền ra khỏi những “nơi trú ẩn an toàn” và tạm giữ những tài sản có nguy cơ rủi ro cao hơn. Trong những ngày tới, nếu hiện tượng này tiếp tục, giá vàng có thể điều chỉnh mạnh và khả năng tăng lên.

Bà Bharti cho rằng vẫn còn quá sớm để nói tất cả những yếu tố cơ bản tích cực đã quyết định giá vàng bởi Khu vực đồng euro (Eurozone) vẫn chưa “ra khỏi rừng rậm” và hiện tại người ta vẫn chưa tin tưởng lắm vào các đồng tiền, một số chỉ số kinh tế như tiêu thụ dầu thô trên thế giới vẫn yếu. Do đó, bất kỳ sự yếu kém nào trong các chỉ số kinh tế cũng có thể khiến người mua lại vàng, coi vàng như một “nơi trú ẩn an toàn.”

Bà Bharti dự đoán trong sáu tháng đầu năm 2013, vàng trên MCX (thị trường giao dịch hàng hóa Ấn Độ) dao động trong phạm vi 24.500-29.000 rupee/10 gram, trong khi giao dịch tại COMEX trong khoảng 1.330-1.450 USD/ounce. Bà nhận định sự khôi phục lòng tin đối với thị trường chứng khoán, một số cải thiện quan trọng trong các chỉ số kinh tế và nỗi lo các thành viên Eurozone có thể buộc phải bán vàng để có tiền chi tiêu là ba nguy cơ lớn nhất có thể làm giảm giá vàng. Tuy nhiên, ba yếu tố có thể làm tăng giá vàng là lạm phát cao, nhu cầu mua vàng vật chất cho mùa cưới, đặc biệt là tại các nước châu Á và mối lo ngại về Eurozone.

Về mục đích đầu tư dài hạn vàng vẫn đang tiến triển tích cực, đặc biệt sau những đợt sụt giảm gần đây. Không ai có thể phủ nhận rằng “sức khỏe” của kinh tế thế giới còn yếu và nhiều nước đang phải vật lộn để đạt được mức tăng trưởng trung bình trong khi lạm phát vẫn cao. Do đó, bà Bharti khuyên nên bỏ 3-4% vốn đầu tư vào vàng./.

Thùy Chi-Minh Lý (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục