Tưng bừng Lễ hội Ánh sáng trên đất nước sông Hằng

Năm nào cũng vậy, vào 30/9 Âm lịch - đêm được coi là Trăng tối nhất trong năm, Tết Diwali lại diễn ra tưng bừng trên đất nước Ấn Độ.
Tưng bừng Lễ hội Ánh sáng trên đất nước sông Hằng ảnh 1Tết Diwali, nhiều người Ấn Độ tôn thờ Lakshmi, nữ thần của sự giàu có. (Nguồn: bbc)

Năm nào cũng vậy, vào 30/9 Âm lịch - đêm được coi là Trăng tối nhất trong năm, Tết Diwali (hay còn gọi là Lễ hội Ánh sáng - Festival of Light) lại diễn ra tưng bừng trên đất nước Ấn Độ.

Tết Diwali năm nay vào ngày 23/10, nhưng các hoạt động mua sắm, trang trí nhà cửa, cầu nguyện và làm từ thiện được triển khai từ đầu tháng.

Diwali chỉ diễn ra trong một ngày, song người dân Ấn Độ mất cả tháng để chuẩn bị. Xung quanh tường nhà, lan can, cổng chính, vườn cây, chậu cây cảnh, thậm chí cả những cây cao hai bên đường trong khu dân cư… đều trang trí những chùm đèn nhiều màu sắc khiến bầu trời đêm rực lên trong ánh sang lung linh huyền ảo.

Ngoài những nhu cầu về đồ trang trí nhà cửa như nội thất mới, cây cảnh, đèn màu, những chuỗi dây xúc xích kết hoa bằng giấy hoặc bằng nhựa, còn có hai thứ không thể thiếu trong ngày hội Diwali là nến và pháo hoa.

Theo quan niệm truyền thống, vào đêm Diwali, người dân Ấn Độ thường đổ dầu vào những chiếc đèn làm bằng đất sét để thắp sáng và để như vậy suốt đêm nhằm đón nữ Thần Laskhmi - vị thần tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng, may mắn và là hiện thân của cái đẹp.

Nhưng ngày nay, ngoài nến, phần lớn các gia đình đều dùng những chuỗi dây đèn màu nhấp nháy bằng điện treo khắp xung quanh nhà để thay thế những chiếc đèn dầu bằng đất sét. Còn việc bắn pháo hoa được quan niệm để xua đuổi linh hồn của quỷ.

Đêm Diwali năm nay, dân cư thủ đô New Delhi đốt rất nhiều pháo. Vô số chùm pháo hoa nhiều màu sắc lung linh trong bầu trời đêm kèm theo những tràng pháo dây râm ran từ 8 giờ tối đến 24 giờ khiến không khí thành phố tưng bừng, rộn rãi, thôi thúc lòng người.

Tuy nhiên, việc đốt pháo tạo nên niềm vui song cũng có những tác dụng tiêu cực. Việc đốt pháo tiêu tốn nhiều tiền của và khói thuốc pháo gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chính vì vậy, Chính phủ Ấn Độ không khuyến khích đốt pháo và theo luật định, người dân không được phép đốt pháo sau 24 giờ của Tết Diwali.

Ấn Độ được mệnh danh là “đất nước của lễ hội”vì vô vàn lễ hội tại nước này, song Diwali là một trong những lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất được tổ chức mỗi năm một lần trên toàn quốc.

Xưa kia Diwali là lễ hội của người theo đạo Hindu, nhưng ngày nay tất cả các đạo giáo tại đất nước sông Hằng đều tổ chức, mặc dù mỗi đạo thưởng thức lễ hội theo một phong cách khác nhau.

Nhu cầu mua sắm Tết Diwali tại Ấn Độ cũng mạnh như Tết Nguyên Đán tại Việt Nam vậy. Bánh kẹo là món quà tặng “đối ngoại” phổ thông nhất trong dịp Diwali.

Trong phạm vi gia đình, người thân, giá trị của quà tặng tùy thuộc vào khả năng tài chính riêng. Tuy nhiên, vẫn như thông lệ, trước Tết Diwali khoảng một tháng thị trường đồ trang sức bằng vàng tại Ấn Độ lại trở nên sôi động và tăng giá.

Trong dịp Diwali năm nay hầu hết các cửa hàng đồ trang sức bằng vàng tại Ấn Độ tăng giá khoảng 5-20% so với mùa lễ hội năm trước.

Vào ngày Diwali, tất cả các cơ quan nhà nước, trường học, công ty, trung tâm siêu thị, khu chợ, cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa, chỉ có bệnh viện và các phương tiện giao thông công cộng vẫn họat động. Đêm Diwali, người dân Ấn Độ hiếm khi ra đường nếu không có việc cần thiết.

Những người làm ăn hoặc công tác xa, đều cố gắng thu xếp về vui Tết Diwali với gia đình. Diwali kết thúc, mọi người lại lao vào guồng máy bận rộn của công việc và cuộc sống thường nhật để chờ đón Diwali của năm sau, với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình và đất nước mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục