Tưng bừng lễ hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích

Ngày mùng 4 Tết, hàng nghìn du khách tấp nập đổ về chùa Phật Tích (Bắc Ninh) dự lễ hội Khán hoa mẫu đơn.
Tưng bừng lễ hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích ảnh 1Người dân đổ về chùa Phật Tích. (Ảnh: Thanh Thương/Vietnam+)

Ngày 3/2 (mùng 4 Tết) hàng nghìn du khách tấp nập đổ về chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) dự lễ hội Khán hoa mẫu đơn cầu mong năm mới an lành, nhiều may mắn.

Ông Trần Hữu Xin, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Phật Tích cho biết theo thường lệ, hàng năm ngày mùng 4 Tết, Phật Tích long trọng tổ chức lễ hội đầu Xuân. Đây là một trong những lễ hội diễn ra với quy mô lớn, sớm nhất tỉnh Bắc Ninh.

Hội Khán hoa mẫu đơn có từ hàng nghìn năm gắn liền với ngôi chùa Phật Tích có bề dày lịch sử và chiều sâu tâm linh, nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam. Lễ hội là hình ảnh thu nhỏ đời sống văn hóa người Việt Nam nói chung và con người Bắc Ninh nói riêng.

Mặc dù ngày mùng 4 Tết mới là chính hội nhưng năm nào cũng vậy từ mùng 1 Tết, mỗi ngày hàng nghìn du khách thập phương tấp nập đến dâng hương, cầu phúc chen chật các lối lên chùa.

Lễ hội năm nay diễn ra trong ba ngày, từ mùng 2 đến 4/2 (mùng 3/1 đến 5/1 âm lịch) với các chương trình giao lưu nghệ thuật độc đáo như biểu diễn quan họ của các liền anh, liền chị đến từ đội văn nghệ địa phương, chương trình nghệ thuật của đoàn Chèo Trung ương. Chiều mùng 5 Tết sẽ diễn ra đại lễ cầu quốc thái dân an được cử hành trang trọng tại quảng trường Đại Phật Tượng trên núi Phật Tích.

Tưng bừng lễ hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích ảnh 2Chùa Phật Tích. (Ảnh: Thanh Thương/Vietnam+)

Bên cạnh đó, những ngày diễn ra lễ hội còn có các trò chơi dân gian, hát quan họ trên thuyền... phục vụ du khách thập phương trẩy hội.

Để lễ hội diễn ra an toàn, nghiêm túc, các chiến sỹ cảnh sát, dân quân tự vệ được tăng cường tích cực đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực diễn ra trong lễ hội; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường được đẩy mạnh. Đặc biệt, trong mùa lễ hội năm nay tình trạng ăn xin, đổi tiền lẻ được quản lý chặt chẽ.

Khởi nguyên chùa Phật Tích gắn liền với trung tâm Phật giáo Luy Lâu và sự du nhập của Phật giáo Ấn Độ gắn liền với nhà sư Khâu-Đà- La. Tháp Phật Tích được vua Lý Thánh Tông dựng vào năm 1057. Đến thời Lý, chùa Phật Tích được coi là quốc tự, đại danh lam, trung tâm Phật giáo. Thời Trần, ngôi chùa là nơi đào tạo nhân tài cho Đại Việt… Đến nay, ngôi chùa còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị tiêu biểu như tượng Phật A Di Đà, hàng linh thú trước sân chùa, gần 40 bảo tháp…

Với những giá trị đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đang đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận chùa Phật Tích là di tích Quốc gia đặc biệt./.

Tưng bừng lễ hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích ảnh 3Chùa Phật Tích. (Ảnh: Thanh Thương/Vietnam+)
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục