Tưng bừng lễ rước lợn làng La Phù

Ngày 7/2, hàng vạn người từ mọi ngả đường đã kéo về đình làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) để tham dự một lễ hội độc đáo: Lễ hội Rước lợn.

Ngày 7/2, hàng vạn người từ mọi ngả đường đã kéo về đình làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) để tham dự một lễ hội độc đáo: Lễ hội Rước lợn.
 
Lễ hội này diễn ra trong 2 ngày (13 và 14 tháng Giêng hằng năm) nhưng nghi lễ chính thức được bắt đầu vào lúc 18 giờ ngày 13 - khi người dân của 11 xóm đốt đèn, rước kiệu và 16 “ông lợn” ra đình làng. Lễ tế kết thúc vào khoảng 1-2 giờ sáng ngày 14.
 
Theo các cụ truyền lại, tục này đã có từ xưa, khi đức thánh Tĩnh Quốc Tam Lang (một bộ tướng thời vua Hùng) tập hợp quân lính để đánh giặc, dân làng mang thịt lợn, xôi đến để khao quân.
 
Đây được xem là một trong những tục lệ độc đáo của vùng đồng bằng Bắc Bộ với những nghi lễ, quy định nghiêm ngặt.
 
Trung Hiền (Vietnam+)

Những “ông lợn” được mổ thịt rồi trang trí rất long trọng trước khi rước ra đình làng. Mỗi ông lợn phải nặng trên 100kg mới đạt chuẩn. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Việc trang trí đòi hỏi rất kỳ công, người ta thường cắt dán những giấy màu, dán mỡ của chính “ông lợn” lên mình để tạo ra những chiếc áo choàng rất đẹp. Người trang trí thường là những người trung tuổi và các cụ già, có đạo đức và phẩm hạnh tốt. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Chiều, trong khi người dân trang trí “ông lợn” thì ở đình làng, đội múa sư tử của các xóm cũng ra lễ chầu tại đình. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Cả đội nhạc của từng xóm cũng phải thực hiện nghi lễ. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Chiếc kiệu này đã được xóm Trần Phú “chế” thêm bộ phận âm thanh dưới gầm kiệu để tạo ra những điệu nhạc lễ nhộn nhịp. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Các xóm bắt đầu rước lễ vật ra đình. Đi trước là đội nhạc, sau đó đến kiệu, chõ xôi, và cuối cùng là “ông lợn”. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Khênh “ông” vào đình. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Xếp các “ông” ngay ngắn để lễ và chấm điểm. Phần thưởng cho xóm nào có ông lợn to, trang trí đẹp sẽ là vài bao thuốc, gói chè…(Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Lễ tế tại đình làng. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục