Tunisia quyết định sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp

Tunisia đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp đến khi nào có thông báo mới, đồng thời dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trên cả nước.
Tunisia đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp đồng thời dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trên cả nước.

Tuyên bố ngày 15/2 của Bộ Nội vụ Tunisia nêu rõ: "Để ngăn chặn bất cứ nhân tố nào có thể làm tổn hại an ninh quốc gia và nhằm đảm bảo an toàn cho người dân cũng như bảo vệ tải sản nhà nước và tư nhân, tình trạng khẩn cấp áp đặt từ ngày 14/1 sẽ được kéo dài đến khi có thông báo mới."

Cuộc sống ở Tunisia đã trở lại bình thường khi chính phủ lâm thời nỗ lực ổn định đất nước trước cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào cuối năm nay.

Các cửa hàng, chợ, trạm xăng dầu và trường học đã mở cửa trở lại và người dân đã đi làm bình thường. Vì vậy, lệnh giới nghiêm vào ban đêm đã được dỡ bỏ.

Lệnh này được ban bố từ ngày 13/1, một ngày trước khi Tổng thống bị lật đổ Ben Ali chạy sang Arập Xêút, khi tại Tunisia diễn ra cuộc biểu tình lớn.

Trong một diễn biến khác, Tunisia và Italy đã đồng ý hợp tác nhằm ngăn chặn người di cư bất hợp pháp từ Tunisia sang Italy.

Thỏa thuận đạt được sau cuộc gặp tối 14/2 giữa Thủ tướng Tunisia Mohamed Ghannouchi và Ngoại trưởng Italy đang ở thăm nước này, Franco Frattini.

Theo thỏa thuận, Italy sẽ cung cấp cho quân đội Tunisia các thiết bị công nghệ cao như radar, thuyền tốc độ cao, nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp.

Italy sẽ lập một đường dây tín dụng trị giá 100 triệu euro tài trợ cho các dự án của Tunisia và điều này sẽ được thông báo tại một hội nghị quốc tế tài trợ cho Tunisia, dự kiến tổ chức vào tháng Ba tới.

Trước việc hơn 5.000 người Tunisia đã di cư sang Italy, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ hỗ trợ Rôma giải quyết vấn đề này.

Bà Cecilia Malmstrom, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề đối nội cho biết khoản hỗ trợ tài chính khẩn cấp của EU sẽ giúp Italy chi trả cho vấn đề chăm sóc y tế, nơi ở, trợ giúp xã hội...cho người tị nạn. EU cũng sẽ cử một nhóm đến tham gia giám sát vùng biên giới Italy.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại EU, bà Catherine Ashton cho biết EU có thể viện trợ cho Tunisia, Ai Cập và một số nước Bắc Phi tổng cộng 2,5 tỷ euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục