Tuổi nghỉ hưu lao động nữ với phát triển bền vững

Hội thảo "Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ đối với phát triển bền vững và hội nhập quốc tế" được tổ chức ngày 27/2, tại Hà Nội.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng, việc nghiên cứu tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là việc làm cần thiết, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động, thể hiện vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác tham gia quản lý với Nhà nước về chế độ chính sách.

Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo "Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ đối với phát triển bền vững và hội nhập quốc tế,"do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ban dự án "Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong khu vực Nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế" (EOWP) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 27/2, tại Hà Nội.

Theo bà Hồng, hiện nay tuổi thọ trung bình và kỳ vọng sống của người Việt Nam đang tăng. Xu thế tiếp cận từ nghĩa vụ của lao động nữ đối với sự phát triển bền vững trong điều kiện tận dụng tối đa nguồn nhân lực có chất lượng, bình đẳng giới trong hội nhập quốc tế là hướng tiếp cận cần được quan tâm trong quá trình tham gia xây dựng Nghị định quy định chi tiết điều 187 Bộ Luật Lao động.

Giám đốc UNDP Louise Chamberlain chỉ ra rằng hiện tại ở Việt Nam, nữ giới tham gia có phần khiêm tốn trong quá trình ra quyết định ở tất cả các cấp. Ví dụ hiện chỉ có 9 đến 12% vị trí Vụ trưởng do nữ giới đảm nhiệm. Ở cấp độ lập pháp, nữ giới chỉ chiếm 24% trong Quốc hội và 25% ở các vị trí của Hội đồng Nhân dân. Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là tối thiểu 35% nữ giới tham chính vào năm 2016.

Bà Chamberlain cũng cho rằng một trong những rào cản đối với nữ giới khi phấn đấu trở thành lãnh đạo ở Việt Nam là sự phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu. Hệ thống hiện nay hạn chế các cơ hội thăng tiến đề bạt, tiếp cận với đào tạo, phát triển đối với nữ giới, buộc họ phải dừng lại trong khi các đồng nghiệp nam vẫn tiếp tục tiến tới đỉnh cao sự nghiệp.

Bên cạnh đó, tuổi nghỉ hưu không ngang bằng cũng không thích hợp với tinh thần của Công ước Quốc tế về chống phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam đã thông qua từ năm 1982.

Từ các góc nhìn khác nhau, các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn, nhà quản lý, hoạch định chính sách đã chia sẻ thông tin, thảo luận một số vấn đề về cơ sở lý luận, thực tiễn của việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ và xu hướng quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ hiện nay.

Nhiều đại biểu cho rằng việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết điều 187 Bộ Luật Lao động sẽ từng bước xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong tuổi về hưu giữa nam và nữ giới. Bên cạnh đó, với việc thực hiện Nghị định, nhiều cán bộ nữ sẽ tích lũy được kinh nghiệm quý báu, trình độ chuyên môn vững chắc, có cơ hội đóng góp trọn vẹn năng lực của mình đối với xã hội.../.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục