Tượng đài Lenin: Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Nghệ An-Ulyanovsk

Sau Thủ đô Hà Nội, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An là địa phương được chọn để dựng tượng Lenin, người sáng lập Nhà nước Xôviết - Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.
Phối cảnh Tượng đài V.I.Lê Nin tại Thành phố Vinh, Nghệ An sau khi hoàn thành xây dựng. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)
Phối cảnh Tượng đài V.I.Lê Nin tại Thành phố Vinh, Nghệ An sau khi hoàn thành xây dựng. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)

Trong những ngày đầu năm 2020, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đang gấp rút thi công để hoàn thành công trình tượng đài V. I. Lenin trước dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh lãnh tụ của giai cấp vô sản Vladimir Ilich Lenin (22/4/1870-22/4/2020).

Sau Thủ đô Hà Nội, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An là địa phương được chọn để dựng tượng Lenin, người sáng lập Nhà nước Xôviết - Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

Điều này càng có ý nghĩa hơn bởi Nghệ An chính là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện thành công cuộc cách mạng Tháng Tám, lập ra Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tư tưởng của Lenin đã mở ra những chân trời mới, soi đường cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vô cùng cảm động và hạnh phúc khi đọc tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin.”

Kể từ đó, Hồ Chí Minh đã đi theo Lenin và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên đem chủ nghĩa Marx-Lenin về với cách mạng Việt Nam.

Tỉnh Nghệ An và tỉnh Ulyanovsk, quê hương của V. I. Lenin, từ những năm 90 của thế kỷ 20 đã có mối bang giao thân thiết.

[Tỉnh Nghệ An thông tin chính thức về việc đặt tượng đài Lenin]

Với tình cảm đó, chính quyền và người dân Ulyanovsk đã xây dựng Công trình Quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh, đặt tên một đại lộ và đổi tên một trường học (trước đây là Trường trung học phổ thông số 76) theo tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một đại lộ ở thành phố Vinh, Nghệ An, từ lâu đã được mang tên Lenin.

Trân trọng sự nghiệp và tư tưởng của lãnh tụ Xôviết, Nghệ An cũng dành một không gian để trưng bày tư liệu về Lenin và Cách mạng tháng Mười Nga tại Bảo tàng Xôviết Nghệ Tĩnh. Hơn thế nữa, 700 người Việt Nam hiện chọn Ulyanovsk là quê hương thứ hai của mình.

Đảng bộ Nghệ An khẳng định việc xây dựng tượng đài V. I. Lenin tại thành phố Vinh được coi là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Nghệ An và Ulyanovsk; là nghĩa cử cao đẹp nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai địa phương, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Liên bang Nga.

Hơn nữa, đây cũng là một trong những việc làm thể hiện tình cảm yêu mến, kính trọng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Nghệ An nói riêng, Việt Nam nói chung đối với Lenin - vị lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga; thể hiện sự kiên định con đường chính nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà nền tảng là Chủ nghĩa Mác–Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Việc xây dựng tượng đài Lenin trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự gắn bó, tình cảm sâu đậm không chỉ của người dân quê Bác mà còn là tình cảm, sự tri ân của nhiều thế hệ người Việt Nam dành cho vị lãnh tụ của thế giới vô sản được toàn thế giới công nhận.

Bức tượng Lenin có chiều cao 3m, được đúc tại tỉnh Ulyanvosk (Liên bang Nga) và là quà tặng của địa phương kết nghĩa này tới đảng bộ và nhân dân Nghệ An.

Khu tượng đài được xây dựng nhìn về phía Nam đón hướng nhìn từ trục đường V. I. Lenin, Trường Thi, Lê Hồng Phong, Nguyễn Phong Sắc với hướng chính của Tượng đài là hướng Tây Nam, lệch với đoạn đường Lênin một góc 23 độ.

Với góc độ của hướng này, ánh sáng mặt trời chiếu hơi chếch so với mặt đứng chính của Tượng đài, sẽ tăng hiệu quả của ngôn ngữ điêu khắc.

Công trình này được kỳ vọng tạo cho thành phố Vinh một điểm tham quan cho người dân địa phương và du khách bốn phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục