Tương lai không bằng phẳng của Thủ tướng Anh Theresa May

Hãng Bloomberg nhận định ngay cả khi Thủ tướng Anh Theresa May đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nhưng những thách thức đối với bà là rất lớn.
Tương lai không bằng phẳng của Thủ tướng Anh Theresa May ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại số 10 phố Downing sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện ở London ngày 12/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AFP/Bloomberg/abc.net.au, tối 12/12, Thủ tướng Anh Theresa May đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của đảng Bảo thủ, nhưng lại để mất sự ủng hộ của 1/3 đồng sự, một kết quả báo hiệu những thách thức không nhỏ mà bà phải đối mặt trong việc thúc đẩy thỏa thuận Brexit tại nghị viện.

Bà May đã nhận được sự ủng hộ của 200 nghị sỹ đảng Bảo thủ, nhưng có tới 117 nghị sỹ của đảng này bỏ phiếu muốn bà từ chức. Kết quả này có được sau khi Thủ tướng May tuyên bố sẽ từ chức trước cuộc bầu cử năm 2022.

Tuy nhiên, bà không đề cập tới khả năng mà nhiều người nghĩ tới, đó là một cuộc bầu cử sớm nếu khủng hoảng Brexit bùng phát. Thực tế, những trì hoãn đối với việc thông qua thỏa thuận Brexit đã buộc cả Liên minh châu Âu (EU) và giới chức Anh phải chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất là Anh buộc phải ra đi mà không có bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết với EU.

Nhiều nghị sỹ và bộ trưởng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Thủ tướng May trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond cho rằng chiến thắng của bà sẽ giúp thống nhất đảng Bảo thủ và “nhấn chìm những người có tư tưởng cực đoan."

Dù vậy, trong cuộc họp riêng với các nhà lập pháp trước cuộc bỏ phiếu, bà thừa nhận vị thế không còn bền vững của mình và đưa ra thời hạn cho việc nắm quyền.

Cố vấn luật pháp chính phủ Robert Buckland trao đổi với phóng viên hãng tin BBC: “Bà ấy không có ý định lãnh đạo đảng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2022."

Hãng tin AFP dẫn lời bà phát biểu bên ngoài văn phòng ở số 10 Phố Downing sau khi kết quả được công bố: “Tôi rất vui vì nhận được sự ủng hộ của các thành viên (đảng Bảo thủ) trong cuộc bỏ phiếu tối nay. Tuy nhiên, một số không nhỏ các nghị sỹ đã bỏ phiếu phản đối và tôi cần phải lắng nghe ý kiến của họ."

Nhà lãnh đạo Anh cho biết bà muốn “hoàn thành tiến trình Brexit” và hy vọng “chính trị gia của tất cả các đảng phái có thể làm việc cùng nhau."

Kết quả này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người ủng hộ Thủ tướng May tập trung tại tòa nhà Quốc hội, trong khi giá trị đồng bảng Anh bắt đầu tăng nhẹ.

Nhân vật đi đầu trong chiến dịch Brexit là Jacob Rees-Mogg, một trong số 48 nghị sỹ đảng Bảo thủ trình thư dẫn tới việc tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà May, cho rằng đây là một “kết quả tồi tệ."

Chủ tịch đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) Nigel Farage viết trên trang Twitter rằng Thủ tưởng May “tập tễnh đi tới thất bại tiếp theo, thỏa thuận sẽ không được thông qua và cuộc khủng hoảng thực sự đang tới gần."

Rees-Mogg và những người hoài nghi châu Âu không hài lòng với thỏa thuận “ly hôn” mà Thủ tướng May vừa nhất trí với EU hồi tháng trước do lo ngại văn bản này có thể ràng buộc Anh với khối suốt nhiều năm ngay cả sau thời hạn 29/3/2019.

Trước cuộc bỏ phiếu, Bloomberg bình luận: “Người Anh có thể sẽ không có thêm một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU, song cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng May của các nghị sỹ Bảo thủ cũng có thể coi là một cuộc trưng cầu như vậy: những đại diện được bầu của một chính đảng với phần đông người ủng họ lựa chọn rời khỏi EU sẽ đối đầu với những người lo ngại hơn cả về tương lai hậu Brexit."

Theo Bloomberg, gần như tất cả đều muốn hiện thực hóa kết quả cuộc trưng cầu ý dân năm 2016, và bất đồng nằm ở chỗ làm thế nào để đạt được mục tiêu này. Những người có tư tưởng cứng rắn như Jacob Rees-Mogg, người đã vài lần kêu gọi bà May từ chức, cho rằng thỏa thuận mà bà nhất trí với Brussels tồi tệ tới mức Anh thậm chí còn nên ra đi mà không có nó.

Những thành viên đảng Bảo thủ trung dung hơn cũng không hài lòng với thỏa thuận và tức giận với chiến thuật mà họ cho là thiếu khéo léo của nhà lãnh đạo Anh, song họ phản đối cả việc “ly hôn” không kèm thỏa thuận - kịch bản mà họ cho là có thể dẫn tới những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, và cả khả năng tổ chức thêm một cuộc trưng cầu ý dân khác, điều có nguy cơ trở thành một diễn biến thiếu dân chủ và gây chia rẽ nghiêm trọng.

[Một khu vực châu Âu trước nguy cơ tan vỡ?]

Hiện Thủ tướng Theresa May sẽ tránh được việc phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác của đảng Bảo thủ trong vòng 1 năm tới. Tuy nhiên, nếu thất bại với thỏa thuận Brexit, chính phủ của bà sẽ đứng trước một cuộc bỏ phiếu khác tại Quốc hội.

Simon Hix, làm việc tại Trường Kinh tế London, cho rằng kết quả ngày 12/12 “đủ để (Thủ tướng May) duy trì quyền lực, song con số 117 nghị sỹ chống bà đồng nghĩa với thách thức tại Hạ viện giờ sẽ còn lớn hơn."

Trong khi đó, người phát ngôn về vấn đề Brexit của Công đảng đối lập Keir Starmer cho rằng kết quả vừa qua phản ánh “cuộc nội chiến của đảng Bảo thủ còn lâu mới kết thúc… Sẽ có thêm nhiều rắc rối phía trước."

Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn được abc.net.au dẫn lời nhấn mạnh nghị viện Anh cần giành quyền kiểm soát tiến trình Brexit. Ông nói: “Cuộc bỏ phiếu tối nay chẳng đem lại bất kỳ thay đổi nào cho người dân. Thủ tướng May phải đưa thỏa thuận tăm tối của bà ấy tới Hạ viện trong tuần tới để Quốc hội xem xét định đoạt. Tôi rất không hài lòng với những diễn biến này."

Trang mạng abc.net.au đăng bài bình luận có đoạn: “Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về quyền lãnh đạo đánh dấu vết nứt nghiêm trọng trong những mâu thuẫn đã kéo dài nhiều thập kỷ của đảng Bảo thủ về châu Âu và khiến con đường rời bỏ liên minh của nước Anh vốn đã không bằng phẳng giờ lại càng gập ghềnh hơn nữa. Một lần nữa, số phận quan hệ EU-Anh, sụ thịnh vượng của các doanh nghiệp và quyền lợi của người dân lại phụ thuộc vào cuộc tranh cãi trong nội bộ đảng về vấn đề châu Âu… Dù gì đi nữa, hy vọng rằng cuộc bỏ phiếu vừa qua cũng đủ để loại bỏ phương án (Anh ra đi mà) không có thỏa thuận."

Bloomberg cũng nhận định ngay cả khi Thủ tướng May vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, những rắc rối của bà vẫn còn lâu mới chấm dứt bởi chính phủ vẫn có nguy cơ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu khác tại Quốc hội và thỏa thuận Brexit vẫn không được lòng các nhà lập pháp. Dù vậy, ít nhất quyền lực của bà cũng được củng cố và những nghị sỹ đảng Bảo thủ cứng rắn muốn Anh ra đi "tay trắng" có lẽ sẽ phải tạm ngừng những lời bài xích của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục