Tương lai nào cho năng lượng tái tạo Việt Nam?

Yêu cầu phát triển ngành điện tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo thay thế nguồn truyền thống sẽ đòi hỏi thời gian dài để đi vào thực tiễn.

Theo báo cáo mới nhất của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, vốn có lợi thế về sản xuất năng lượng bằng sức gió, mặt trời, địa nhiệt và sinh học... nếu biết quy hoạch, phát triển và tổ hợp tốt, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu RE (năng lượng tái tạo) là 3% vào năm 2010 và 5% vào năm 2020.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính của hiện tượng biến đổi khí hậu là việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch để tạo ra năng lượng. Và mọi nỗ lực của chúng ta hiện nay đều nhắm vào việc giảm hoặc ngừng tiêu thụ các nhiên liệu hóa thạch để không gây tổn hại tới sự phát triển của nhân loại.

Từ thực tế tới mục tiêu


Không ít người cho rằng điện hạt nhân có thể sẽ hồi sinh sau nhiều thập kỷ thoái trào và sẽ trở thành một giải pháp căn bản nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Về quan điểm này, Giáo sư Phạm Duy Hiển, Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng sự hồi sinh là có thể song sẽ không thể ồ ạt để thay thế cho nhiên liệu hóa thạch bởi “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, và chỉ có năng lượng tái tạo mới trường tồn cùng loài người như một sự sắp đặt của tạo hóa.

Hàng năm, tiêu thụ điện năng của Việt Nam tăng 15% - vượt xa so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng gấp 3,5 lần so với tỷ lệ này của năm 2009.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành điện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn từ 2006-2015 sẽ có 54 dự án sản xuất điện được quy hoạch và xây mới. Đến nay, đã có 6 dự án được hoàn thành, với công suất xấp xỉ 2.000 MW và chỉ đạt 5,6% kế hoạch.

Hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy nhiệt điện dùng than chỉ chiếm khoảng 28-32% và hỗn hợp RE (năng lượng tái tạo) chỉ chiếm 1,5% tổng sản lượng năng lượng sản xuất được (thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực).

Những năm qua, do khô hạn kéo dài và năng lực dự phòng biên phụ thuộc lớn vào công suất thủy điện sẵn có, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu điện năng từ một số quốc gia láng giềng để bổ sung cho nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao.

Rõ ràng, yêu cầu phát triển ngành điện tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo thay thế nguồn truyền thống sẽ đòi hỏi thời gian dài để đi vào thực tiễn.

Theo báo cáo mới nhất của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, vốn có lợi thế về sản xuất năng lượng bằng sức gió, mặt trời, địa nhiệt và sinh học... nếu biết quy hoạch, phát triển và tổ hợp tốt, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu RE là 3% vào năm 2010 và 5% vào năm 2020.

Cũng nhờ đó, Chính phủ sẽ thực hiện được điện khí hóa 100% vào năm 2020 theo đúng lộ trình.

Thu hẹp khoảng cách

9/15 dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) của Việt Nam được Ban chấp hành CDM quốc tế (EB) xác thực đều là những dự án thủy điện và sản xuất năng lượng như Nhà máy Điện gió Bình Thuận, Thủy điện Suối Tân, So Lo, Nậm Pia, Tà Niết, An Điềm II, Phú Mậu, Mường Sang...

Theo đánh giá từ Bộ Tài nguyên & Môi trường, ngoài ý nghĩa xã hội, những dự án này đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường ở địa phương và giảm phát thải khí nhà kính.

Thị trường cácbon và việc bán lại các chứng chỉ giảm phát thải (CERs) mang lại những cơ hội cấp vốn tuyệt vời cho các dự án thủy điện, nhờ đó nâng cao hơn tính cạnh tranh của cả thị trường sản xuất điện và thị trường bán buôn, bán lẻ; định vị lại vị thế thống trị của EVN; điều tiết một khung giá hợp lý... và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi đầu tiên từ những chính sách này.

Chỉ 1/10 trong số 90 dự án đăng ký được công nhận là CDM, tỷ lệ này thực không khả quan như mong đợi. Và rõ ràng, vẫn tồn tại nhiều hạn chế khi các chủ dự án kỳ vọng rằng sau khi đạt được, CDM sẽ đem lại cho họ những lợi ích mà không cần phải nỗ lực gì thêm.

Khái niệm CDM còn khá mới ở Việt Nam nên hoạt động của các tổ chức tư vấn CDM còn rất thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của các dự án lớn.

Riêng đối với ngành điện, việc phát triển sản xuất năng lượng từ nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng cácbon hiệu quả cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt là xác định đường cơ sở thống nhất trong mạng lưới điện quốc gia do số liệu thực tế không xác thực với sơ đồ quy hoạch.

Đó là chưa kể những vướng mắc như: Chứng minh nghĩa vụ tài chính bổ sung khi không có thu nhập phụ từ lượng tích sản cácbon hay sự thiếu chuẩn trong việc thực hiện quy trình CDM, đặc biệt là hoàn thiện hóa các tài liệu Thiết kế Dự án (PDDs)...

Nhằm đẩy mạnh và nhân rộng các dự án CDM, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam khuyến nghị Chính phủ cần tạo nhiều cơ hội thuận lợi hơn nữa như áp dụng chính sách hỗ trợ cho các dự án điện thông qua bảo lãnh tín dụng, thỏa thuận mua bán; giảm thuế, áp khung giá đầu vào hợp lý... Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp cũng cần được tăng cường.

Mặt khác, các hoạt động liên quan tới lĩnh vực năng lượng tái tạo cần sớm thể chế hóa và xem xét việc ban hành Luật năng lượng tái tạo trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục