Tương lai nào cho Singapore sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời?

Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã mang sự phồn thịnh tới cho Singapore, nhưng đi kèm với đó là một hệ thống quản lý độc đoán có thể còn không phù hợp với các thách thức mới trong thế kỷ 21.
Tương lai nào cho Singapore sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời? ảnh 1Người dân Singapore ghi lại hình ảnh thi hài ông Lý Quang Diệu được đưa đi trên phố để mọi người nói lời vĩnh biệt (Nguồn: AP)

Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã mang sự phồn thịnh tới cho Singapore, nhưng đi kèm với đó là một hệ thống quản lý độc đoán. Nhưng theo nhận định của hãng AP, di sản này có thể không còn phù hợp với các thách thức mới trong thế kỷ 21 mà quốc đảo này phải đối mặt. Vietnam+ xin giới thiệu bài viết này.

Là một trong những người cuối cùng thuộc thế hệ lãnh đạo có tầm vóc của Đông Nam Á, ông Lý Quang Diệu rời khỏi ghế Thủ tướng trong năm 1990, sau nhiều thập kỷ lèo lái nền chính trị Singapore. Con trai ông, Lý Hiển Long, hiện đang ngồi ghế Thủ tướng.

Sự ra đi của ông được xem là thời điểm để Singapore nhìn lại mình. Sau khi giành được quyền tự trị từ Anh vào năm 1959, hòn đảo nằm ở rìa bán đảo Malay đã biến đổi dưới bàn tay lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu để trở thành một cường quốc về tài chính và chế xuất.

Để chính quyền của mình được tự do tạo hình xã hội mới, ông Lý Quang Diệu đã không chấp nhận những tiếng nói chống đối. Chính quyền của ông bị phương Tây xem là “độc đoán,” nhưng đã mang tới sự phồn thịnh trong 2 thế hệ.

Giờ chính quyền này đang nằm dưới áp lực ngày càng lớn.

Singapore tự hào với việc có tỷ lệ tội phạm thấp; sự hòa đồng giữa người gốc Trung Quốc chiếm đa số trong xã hội và người Malay theo Hồi giáo thiểu số; tỷ lệ tham nhũng gần như bằng không tại khu vực có nạn tham nhũng lan tràn.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều người bực dọc cho rằng đảng cầm quyền đã đẩy đất nước với 5,4 triệu dân đi theo đường lối sai lầm trong 2 thập kỷ qua. Bất bình đẳng thu nhập đã tăng lên và việc Singapore đón nhận dân nhập cư quy mô lớn đã làm tăng sự cạnh tranh trên thị trường việc làm, trong khi lương lại giảm xuống.

Hình ảnh những người Singapore cao tuổi, nghèo khổ phải đẩy xe kéo dọc theo các con phố tráng lệ của đất nước này để nhặt bìa giấy và nhựa vứt đi để bán phế liệu là bằng chứng rõ ràng cho thấy đã có những lỗ hổng lớn trong lưới an toàn xã hội của đất nước này.

''Đã xuất hiện cảm giác không hài lòng, bạn có thể cảm nhận được điều này và mọi người đang âm thầm muốn có thay đổi,'' bà Lynn Su-lin, một chủ doanh nghiệp 56 tuổi, nói với phóng viên AP.

Bà là người thuộc một thế hệ đã tôn vinh các thành tựu của ông Lý Quang Diệu là ''tuyệt vời'' và lo ngại những người Singapore trẻ tuổi không đánh giá cao di sản của đất nước. Bà nói rằng không có ông Lý Quang Diệu, người Singapore cảm thấy hơi lo sợ về những gì sẽ xảy ra.

Đảng cầm quyền đã có một bước lùi lớn trong các cuộc bầu cử hồi năm 2011. Theo tiêu chuẩn phương Tây, đó có thể xem là một chiến thắng áp đảo. Nhưng năm ấy, tỷ lệ phiếu mà đảng Nhân dân Hành động (PAP) cầm quyền nhận được đã tụt giảm mạnh. Các đảng đối lập nhỏ ở Singapore đã có ghế trong chính quyền.

Để xử lý tình trạng giảm phiếu bầu, chính quyền đã tăng cường phúc lợi và giảm bớt hoạt động nhập cư. Tuy nhiên, có vẻ như sự thay đổi diễn ra chưa đủ mạnh hoặc nhanh để ngăn sự không hài lòng của cử tri.

Tương lai nào cho Singapore sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời? ảnh 2Tang lễ ông Lý Quang Diệu được tổ chức theo những nghi lễ cao cấp nhất (Nguồn: AP)

''Ý tưởng người dân chỉ bỏ phiếu cho phe đối lập khi họ đang tuyệt vọng không còn đúng nữa,'' Garry Rodan, một chuyên gia về Đông Nam Á ở Đại học Murdoch tại Perth, Australia, nhận xét. ''Một số thay đổi về quản lý ngân khố mới được thực hiện gần đây đã diễn ra ngay cả khi phe đối lập không giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử''.

Theo Yeoh Lam Keong, cựu chuyên gia kinh tế trưởng thuộc quỹ đầu tư GIC, Singapore hiện đang chống chọi với nhu cầu đòi thay đổi, trên cả mặt kinh tế và chính trị.

Giống nhiều nước phát triển, Singapore phải đối diện với nỗi đau của hoạt động toàn cầu hóa. Công nghệ mới đang làm mất dần việc làm của tầng lớp trung lưu và lao động.

Hoạt động cạnh tranh dữ dội từ Trung Quốc và Ấn Độ khiến tiền lương giảm xuống. Cùng thời điểm, một thế hệ những người Singapore trẻ, nhiệt huyết, được giáo dục tốt và kết nối mạnh với Internet, đã bước vào độ tuổi có thể bỏ phiếu.

Tại châu Á, ảnh hưởng của thế hệ trẻ như thế này được nêu bật trong các cuộc biểu tình diễn ra ở Hong Kong vào năm ngoái, đã khiến nhiều phần của thành phố tê liệt trong hàng tuần.

''Tôi kính nể ông Lý Quang Diệu vì những đóng góp đã xây dựng nên đất nước này. Tuy nhiên tôi không đồng tình với nhiều điều ông đã làm,'' sinh viên Tan Guan Hong, 22 tuổi, cho biết. ''Tôi hy vọng chúng tôi sẽ lùi lại một bước. Tôi hy vọng tương lai sẽ mở ra các cơ hội để chúng tôi nhìn nhận lại những vấn đề (trong nước).''

Theo Yeoh, chính quyền Singapore có nguồn tài chính mạnh và chỉ cần tăng vừa phải các khoản thuế được đánh rất thấp ở đây cũng đủ để có ngân sách phục vụ giải quyết các vấn đề xã hội.

Thách thức lớn hơn nằm ở việc thỏa hiệp với những người Singapore, đang muốn chính quyền trung ương nới lỏng kiểm soát và bản thân họ có tiếng nói lớn hơn. ''Dân chủ hóa là phần gian nan nhất vì di sản của ông Lý Quang Diệu cũng có liên quan tới hoạt động điều hành độc đoán'' - Yeoh nói.

Dưới chính quyền Thủ tướng hiện nay, ông Lý Hiển Long, Singapore vẫn kiểm soát chặt báo chí, dập nhanh các chỉ trích trên mạng và chỉ định công viên Speakers' Corner là nơi duy nhất người ta có thể tiến hành biểu tình.

Trong thời kỳ cầm quyền đỉnh cao, ông Lý Quang Diệu cũng không chấp nhận các quan điểm chống lại mình, cho rằng nếu cử tri lựa chọn phe đối lập, sự tiến bộ của Singapore sẽ đảo ngược và đất nước rơi trở lại cảnh nghèo khó.

Thực tế thì không giống như cuốn hồi ký ''From Third World to First'' (Từ thế giới thứ ba tới thứ nhất) của ông Lý Quang Diệu, Singapore chưa từng trải qua cảnh bần hàn. Trước khi giành độc lập, đây là một hòn đảo phồn thịnh thuộc Đế quốc Anh.

Nhưng cần thừa nhận rằng sau khi tách rời khỏi Anh vào năm 1965 và nhất là khi không được vào Liên bang Malaysia, tương lai của Singapore đã trải qua giai đoạn đặc biệt bất ổn. Nước này thiếu nguồn tài nguyên thiên nhiên, phải nhập khẩu cả nước ngọt và sống giữa các láng giềng không được hữu hảo.

Ông Lý Quang Diệu và chính quyền đã xóa bỏ các công đoàn độc lập, thay đổi hệ thống giáo dục để cho ra những người lao động đáp ứng nhu cầu của giới đầu tư nước ngoài, tiến hành nhiều thay đổi khác để khiến hòn đảo trở nên cạnh tranh hơn. Bất cứ khi nào một mô hình kinh tế trở nên kém hiệu quả, ông Lý Quang Diệu lại vạch ra một kế hoạch mới và triển khai rất nhanh.

Ngày hôm nay, GDP Singapore thuộc hàng cao nhất thế giới, ở mức 54.000 USD/người. Nước này thường xuyên đứng đầu các cuộc khảo sát về cạnh tranh, trong khi Malaysia và những quốc gia khác ở Đông Nam Á tụt lại phía sau.

Tuy nhiên, ngay cả sự thành công ấy vẫn gây sự bất mãn trong lòng người dân Singapore.

''Điều khiến tôi bực mình nhất về người Singapore là họ quá ám ảnh với tiền bạc và sự vươn lên, tới mức đánh mất nhân tính," nữ doanh nhân Su-lin nói. ''Họ ngưỡng mộ thành công tới mức không còn chỗ cho những người chẳng muốn theo đuổi tất cả các giấc mơ đó.''

Và ngày hôm nay, những tuyên bố cho rằng Singapore sẽ tụt hạng về kinh tế nếu để phe đối lập lên nắm quyền không còn dễ thuyết phục người khác nữa. ''Kịch bản tồi tệ nhất cho nền kinh tế Singapore là đứng thứ 10, thay vì thứ nhất hay thứ 2 ở châu Á'' - Cherian George, một học giả Singapore giờ sống ở Hong Kong, cho biết - ''Nhưng đất nước này sẽ vẫn giàu có''./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục