Tương lai trúc trắc của sáng kiến Vành đai và Con đường

Việc Mỹ, EU và Nhật Bản công bố chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được coi là "đậm mùi" bao vây, thậm chí là phong tỏa Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Tương lai trúc trắc của sáng kiến Vành đai và Con đường ảnh 1(Nguồn: China Daily)

Sau Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản đã công bố chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo giới quan sát, hành động của Mỹ, EU và Nhật Bản “đậm mùi” bao vây, thậm chí là phong tỏa Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.

Ngày 9/10 vừa qua, tại thủ đô Tokyo, Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 10 đã khai mạc dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Sau cuộc họp với lãnh đạo 5 nước sông Mekong, gồm Campuchia, Lào Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản đã công bố “Chiến lược Tokyo 2018,” nhấn mạnh tới việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng với các nước Đông Nam Á.

Theo tờ Economic Journal, hành động này đậm chất cạnh tranh với BRI của Trung Quốc. Đáng chú ý là gần đây, Mỹ và EU cũng đưa ra chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại châu Á-Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh bố cục địa chính trị trong khu vực có nhiều thay đổi, phương Tây dường như đã bắt tay vây hãm BRI.

Theo văn kiện “Chiến lược Tokyo 2018”, Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác với 5 nước sông Mekong trong việc thực thiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, đường sắt, thông tin liên lạc và trong lĩnh vực dân sinh.

Ngoài ra, văn kiện còn đề cập tới hành động “bành trướng” của Trung Quốc, tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền tự do đi lại trên biển, trên không ở Biển Đông.

Do Đông Nam Á, bao gồm cả khu vực sông Mekong, là tiền duyên của BRI, cho nên “Chiến lược Tokyo 2018” của Nhật Bản được nhìn nhận như việc cạnh tranh với BRI.

Quan trọng hơn, Nhật Bản không hành động đơn độc. Mỹ và EU gần đây lần lượt đưa ra chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, được gọi là “phiên bản BRI của Mỹ” và “phiên bản BRI của EU.”

Vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức đưa ra chương trình chính sách ngoại giao phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á, bao gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng về giao thông, năng lượng và thông tin kỹ thuật số. Nguồn vốn thực hiện kế hoạch này chủ yếu đến từ các khoản vay của các ngân hàng tư nhân và ngân hàng đầu tư phát triển.

EC không cho biết kế hoạch sẽ đầu tư bao nhiêu tiền, nhưng có thông tin nói rằng dự kiến trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2027, kế hoạch sẽ thu hút được lượng vốn đầu tư lên tới 300 tỷ euro.

[EU cạnh tranh với "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc]

Dù các quan chức châu Âu phủ nhận kế hoạch được đưa ra để cạnh tranh với BRI, nhưng dư luận cho rằng ý nghĩa đối chọi với Trung Quốc khá rõ ràng.

Đối với Mỹ, vào cuối tháng 7/2018, Ngoại trưởng nước này, ông Mike Pompeo tuyên bố sẽ đầu tư 113 triệu USD hỗ trợ sáng kiến về công nghệ mới, năng lượng và cơ sở hạ tầng tại các nước châu Á đang trỗi dậy.

Như thông tin đăng tải trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Washington cũng sẽ chi 25 triệu USD để mở rộng xuất khẩu công nghệ của Mỹ sang khu vực này và cùng với đó, thêm gần 50 triệu USD để giúp các quốc gia sản xuất và tồn trữ tài nguyên năng lượng.

Giới phân tích cho rằng dù mức đầu tư khá ít so với Trung Quốc, nhưng với tuyên bố này, Mỹ đang tìm cách làm sáng tỏ hơn nữa khía cạnh kinh tế trong chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với mục đích đưa Mỹ thành đối tác đáng tin cậy trong khu vực.

Việc Mỹ, EU và Nhật Bản lần lượt đưa ra sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo tờ Economic Journal, rõ ràng không phải là “gặp gỡ vô tình.”

Trong mắt phương Tây, Trung Quốc đưa ra BRI là nhằm bành trướng thế lực ở đại lục Á Âu, thậm chí hướng tới việc làm lung lay cục diện địa chính trị truyền thống của phương Tây.

Hành động của Mỹ, EU và Nhật Bản “đậm mùi” bao vây, thậm chí là phong tỏa BRI, có ý đồ kiềm chế chiến lược đối với Trung Quốc rất rõ.

Nếu đặt việc Mỹ, EU và Nhật Bản lần lượt đưa ra sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung ngày một leo thang căng thẳng, có thể thấy Mỹ dường như là "anh cả" dẫn đầu phe phương Tây trong việc ngăn chặn BRI của Trung Quốc.

Trên thực tế, Mỹ gần đây đã thể hiện thái độ chống lại BRI. Trong bài phát biểu tại Viện Hudson ở Washington vào ngày 4/10 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã chỉ trích Mỹ mở rộng ảnh hưởng bằng “ngoại giao nợ nần.”

Mũi nhọn chỉ thẳng vào hoạt động rót vốn giúp các nước nhỏ ở châu Á xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua BRI của Trung Quốc. Xem ra, khi phương Tây cùng ở một mặt trận và thống nhất hành động, việc Trung Quốc thúc đẩy BRI sẽ phải đối mặt thêm nhiều thách thức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục