Tưởng nhớ tác giả của ‘Khúc hát sông quê’ qua tuyển tập đặc sắc

Bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến, trân trọng tài năng của tác giả “Đôi mắt đò ngang” đã cùng chung tay thực hiện “Tuyển tập Nguyễn Trọng Tạo” để tưởng nhớ ông.
Trong làng văn nghệ Việt Nam, Nguyễn Trọng Tạo là một nghệ sỹ đa tài. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Trong làng văn nghệ Việt Nam, Nguyễn Trọng Tạo là một nghệ sỹ đa tài. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

“Tuyển tập Nguyễn Trọng Tạo” giới thiệu tới độc giả những sáng tác của người nghệ sỹ tài hoa.

“Bộ sách ra mắt nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Đó là nén tâm nhang của người thân, bạn bè, đồng nghiệp thành kính tưởng nhớ tác giả ‘Khúc hát sông quê’,” tiến sỹ Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc Nhà xuất bản Văn học chia sẻ.

[Nguyễn Trọng Tạo: Một đời làm Thơ và… Chia]

“Tuyển tập Nguyễn Trọng Tạo” bao gồm ba tập. Tập 1 (Thơ và nhạc) giới thiệu 348 bài thơ, trường ca và 72 nhạc phẩm của cố nghệ sỹ Nguyễn Trọng Tạo.

Bên cạnh đó, 121 bài viết (trong đó có 9 truyện ngắn, 13 tạp văn, 13 bài trả lời phỏng vấn và 86 bài viết phê bình văn chương, tự sự…) của ông được tập hợp trong tập thứ hai của bộ sách với chủ đề “Văn xuôi.”

Trong khi đó, chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trọng Tạo trong mắt bạn bè, đồng nghiệp được giới thiệu qua 48 bài viết ở tập thứ ba - “Nhịp đồng dao.”

Tưởng nhớ tác giả của ‘Khúc hát sông quê’ qua tuyển tập đặc sắc ảnh 1Tuyển tập ra mắt nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. (Ảnh: NXB Văn học)

Nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha - một thành viên của nhóm biên soạn cho biết: “Tôi đã chọn đúng 72 tác phẩm đặc sắc của bạn mình giới thiệu cùng đông đảo người hâm mộ. 72 nhạc phẩm được chia làm 4 phần với những nội dung: Hùng ca, Tình ca, Đời ca và Nhi ca. Gia tài âm nhạc Nguyễn Trọng Tạo còn nhiều, hẳn phải đợi khi toàn tập ra mắt, mới có thể giới thiệu đầy đủ, trọn vẹn với công chúng. Tuy nhiên, tôi hy vọng qua 72 nhạc phẩm trong tuyển tập này, công chúng vẫn nhận ra sự tài hoa của Nguyễn Trọng Tạo trong làng văn nghệ Việt Nam.”

Cũng theo nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha, nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã sống cuộc đời tận hiến cho nghệ thuật. Ông thuộc thế hệ sau, tiếp bước thành công những tên tuổi lớn như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi…

“Trong làng văn nghệ Việt Nam, sau những đại thụ ấy, hiếm có ai ‘tung hoành’ được cùng lúc trên nhiều mặt trận (thi ca, âm nhạc, hội họa) và thu được những thành công ấn tượng như Nguyễn Trọng Tạo,” nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha nhận định.

Tưởng nhớ tác giả của ‘Khúc hát sông quê’ qua tuyển tập đặc sắc ảnh 2Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (phải) và nhạc sỹ Văn Cao. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Nguyễn Trọng Tạo là một nhà thơ luôn có ý thức làm mới thơ mình. Thơ ông đậm chất lính – mộc mạc, khỏe khoắn nhưng cũng không kém phần đắm say. Càng về sau, thơ ông vượt lên những day dứt, yêu đương thường nhật để hướng đến những giá trị phổ quát, đề cập tới những vấn đề nhức nhối của đời sống.

Triển lãm ảnh “Chân dung Nguyễn Trọng Tạo” cũng được tổ chức trong khuôn khổ buổi ra mắt tuyển tập (chiều 25/12 tại Hà Nội). Chương trình giới thiệu 72 bức ảnh chân dung Nguyễn Trọng Tạo và những người bạn qua 25 năm (từ 1993-2018) của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.

“Sinh thời, nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo luôn là tâm điểm trong những cuộc vui, chương trình gặp gỡ, giao lưu của giới văn nghệ. Tôi có ấn tượng đặc biệt với  nụ cười hóm hỉnh cùng lối nói chuyện giản dị mà hài hước của anh. Chính bởi vậy, khi chụp Nguyễn Trọng Tạo, tôi không sắp đặt bối cảnh. Thay vào đó, tôi chụp anh trong những khoảnh khắc đời thường, tự nhiên nhất,” nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chia sẻ.

“Tuyển tập Nguyễn Trọng Tạo” do Nhà xuất bản Văn học phát hành./.

Nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo (25/8/1947-7/1/2019) có bút danh là Cẩm Ly, Nguyễn Vũ Trọng Thi, Bảo Chi…

Ông được vinh danh ở nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật như Giải thưởng thơ hay Báo Văn nghệ, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật của Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam…

Đặc biệt, năm 2012, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với tác phẩm: “Đồng dao cho người lớn” và “Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc).”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục