Tưởng niệm nạn nhân Do Thái bị phátxít Đức tàn sát

Chiều 22/7, khoảng 2.000 người đã diễu hành tưởng niệm các nạn nhân Do Thái trong chiến dịch trục xuất của phátxít Đức cách đây 70 năm.
Chiều 22/7, tại Warszawa, Ba Lan, khoảng 2.000 người đã tham gia diễu hành trong khuôn khổ các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong chiến dịch trục xuất quy mô lớn của phátxít Đức cách đây 70 năm.

Trong chiến dịch này, cộng đồng người Do Thái đã bị phátxít Đức đưa từ Warszawa tới trại tập trung Treblinka ở miền Trung Ba Lan và thảm sát họ. Chiến dịch này đã cướp đi mạng sống của khoảng 260.000 người Do Thái và được coi là một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử của cộng đồng Do Thái.

Cuộc diễu hành có sự tham gia của đại diện chính phủ Ba Lan, Israel và lãnh đạo thành phố Warszawa.

Ông Andrzej Zozula, người đứng đầu cộng đồng Do Thái tại Warszawa, cho biết  đây là lần đầu tiên một cuộc diễu hành kiểu này được tổ chức. Ông nhấn mạnh: "Ngày 22/7/1942 là ngày nhắc chúng ta nhớ đến gần như toàn bộ người dân của thành phố này đã bị phát xít Đức đưa đi hành quyết."

Trước chiến tranh, khoảng 3,2 triệu người Do Thái sinh sống tại Ba Lan, chiếm 10% dân số nước này, trong đó riêng tại Warszawa có 400.000 người, là nơi có cộng đồng Do Thái lớn nhất ở châu Âu.

Một năm sau khi xâm lược Ba Lan, vào tháng 10/1940, phátxít Đức đã dồn khoảng nửa triệu người Do Thái vào sống tập trung trong một khu vực cô lập rộng khoảng 4 km2 ở giữa trung tâm thủ đô Warszawa.

Đây được coi là khu tập trung quan trọng nhất trong tất cả các trại tập trung mà Đức quốc xã xây dựng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nạn đói và bệnh tật đã cướp đi mạng sống của khoảng 100.000 người Do Thái tại đây.

Ngày 22/7/1942, phátxít Đức đã quyết định xóa bỏ khu cô lập này, trục xuất những người Do Thái tại đây, đưa tới trại Treblinka, cách Warszawa 100km về phía Đông Bắc.

Trong vòng ba tháng, khoảng 260.000 người, gần bằng 1/4 dân số Warszawa lúc đó, đã bị chuyển đến trại Treblinka và bị giết hại.

Sau chiến dịch trục xuất, tại khu tập trung lúc đó thu hẹp còn 1 km2 ở Warszawa, trên giấy tờ đăng ký chỉ còn 35.000 người Do Thái và khoảng 25.000 người các dân tộc khác sống chui lủi.

Quyết định triệt tiêu khu tập trung nằm trong khuôn khổ chiến dịch Reinhardt do Đức quốc xã đưa ra năm 1941 nhằm tiêu diệt người Do Thái.

Trong chiến dịch này, khoảng 2 triệu người Do Thái đã bị giết hại tại các trại diệt chủng như Treblinka, Sobibor và Belzec.

Ngày bắt đầu chiến dịch triệt tiêu khu tập trung người Do Thái tại Warszawa cũng trùng với ngày sinh của nhà sư phạm Do Thái nổi tiếng Janusz Korczak.

Đầu tháng 8/1942, Korczak cùng với khoảng 200 trẻ mồ côi mà ông nhận chăm sóc đã bị phátxít Đức chuyển từ khu tập trung này đến Treblinka và bị giết chết tại phòng hơi độc.

Trong lễ tưởng niệm, những người tham gia đã diễu hành theo hướng từ Umschlagplatz, nơi những người Do Thái từ Warszawa bị chuyển tới trại Treblinka, đến trại trẻ mồ côi nơi Janusz Korczak từng điều hành và nay mang tên ông, tức là ngược lại con đường mà ông và những đứa trẻ mồ côi đã đi trước đây.

Việc đi theo hướng ngược lại thể hiện mong muốn rằng những điều đã xảy ra tại đây sẽ không bao giờ tái hiện trong tương lai.

Trên những khung cửa sổ của trại trẻ này, những người diễu hành đã treo hàng trăm sợi ruybăng đầy màu sắc mang tên tượng trưng của những trẻ mồ côi bị Đức quốc xã giết hại.

Cùng ngày 22/7, tại một phòng tranh đối diện tòa nhà Phủ Tổng thống Ba Lan, một cuộc triển lãm những bức tranh chưa từng xuất bản miêu tả cuộc sống thường ngày trong khu tập trung ở Warszawa, đã được tổ chức.

Giữa phòng tranh, các nhà tổ chức đã trưng bày một mẩu bánh mỳ đen 140g, thức ăn hàng ngày tại khu cô lập người Do Thái. Lễ tưởng niệm kết thúc bằng buổi hòa nhạc lớn tại khu phố cổ của khu tập trung này vào tối cùng ngày.

Trong khi đó, tại Pháp, Tổng thống Francois Hollande, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault cùng nhiều quan chức Chính phủ Pháp đã tham dự buổi lễ tưởng niệm hàng nghìn người Do Thái thiệt mạng trong khuôn khổ một chiến dịch trục xuất tương tự ở thủ đô Paris năm 1942.

Thời điểm đó, chính quyền Pháp đã lùng bắt và trục xuất khoảng 13.000 người Do Thái khỏi Paris, khi đó đang bị Đức chiếm đóng, để đưa tới các trại tập trung của phátxít Đức.

Năm 1995, cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã chính thức thừa nhận trách nhiệm của chính quyền Pháp trong vụ trục xuất này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục