Tuyên bố rút khỏi INF, Mỹ có kích hoạt cuộc đua vũ trang hạt nhân mới?

Một cuộc chạy đua vũ trang mạnh mẽ đã diễn ra với sự tham gia của các cường quốc hạt nhân ở các mức độ khác nhau trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi INF ký với Nga.
Tuyên bố rút khỏi INF, Mỹ có kích hoạt cuộc đua vũ trang hạt nhân mới? ảnh 1Tên lửa hành trình Brahmos được phóng lên tại một địa điểm bí mật bang Rajasthan, Ấn Độ năm 2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga đã gây ra hàng loạt đồn đoán về những hậu quả tiềm tàng.

Phần lớn giới bình luận nhất trí rằng động thái này sẽ có thể kích hoạt một cuộc đua vũ trang tương tự cuộc đua hồi Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, đây là một lập luận thừa. Bởi một cuộc chạy đua vũ trang mạnh mẽ đã diễn ra với sự tham gia của các cường quốc hạt nhân ở các mức độ khác nhau (trước khi ông Trump đưa ra tuyên bố trên).

Kết thúc Chiến tranh Lạnh, số đầu đạn trên phạm vi toàn cầu (chủ yếu là của Mỹ và Nga) giảm đáng kể, từ con số đỉnh điểm là 64.449 trong năm 1986 xuống còn 11.635 trong năm 2009. Tuy nhiên, tốc độ cắt giảm đã chậm lại sau thời điểm này.

Thêm vào đó, số liệu khí tài lưu kho lại không nghi nhận số lượng đầu đạn và vì vậy có thể nhanh chóng được đưa ra sử dụng. Trong khi đó, tốc độ “hiện đại hóa” hạt nhân lại gia tăng. Các cường quốc đang phát triển hệ thống vũ khí công nghệ cao vốn có nguy cơ đe dọa khái niệm về sự ổn định răn đe có từ thời Chiến tranh Lạnh.

Liệu INF đã lỗi thời? Hiện Mỹ, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc đang hối hả phát triển vũ khí siêu thanh. Ấn Độ cũng đã sở hữu tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos có vận tốc đạt Mach 3 (khoảng 3.600 km/h). Thế nên INF đã trở nên lỗi thời. Và nguy cơ xảy ra cuộc chiến bất ngờ đang gia tăng cao hơn khi căng thẳng Mỹ-Nga và Mỹ-Trung gia tăng, trong khi khủng hoảng quan hệ Trung-Ấn và Ấn Độ-Pakistan dọc biên giới tranh chấp đang làm nảy sinh nhiều phức tạp hơn.

Cùng với việc phát triển vũ khí siêu thanh, quá trình phát triển các loại vũ khí khác cũng đang gây ra những căng thẳng tương tự. Mỹ đang bước vào giai đoạn mới trong quá trình phát triển các loại vũ khí mới như máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-21, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất thế hệ mới, và tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (LRSO).

Không kém cạnh, Nga cũng đang phát triển nhiều loại vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí có năng lực kép như máy bay ném bom siêu thanh tầm trung Tu-22M3M và tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat.

Tương tự, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân với tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21, tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa DF-41, tàu ngầm hạt nhân Type-096 và máy bay ném bom chiến lược tầm xa Hong-20.

Cuộc đua vũ trang đang diễn ra như vũ bão? Khi Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ thì điều này gây ra tình trạng bất ổn định về an ninh và cũng tạo ra một cuộc đua cạnh tranh ở Ấn Độ cũng như ở Pakistan. Điều trớ trêu ẩn sau những động thái này là mặc dù cuộc đua công nghệ cao là nổi trội song động lực thực sự về đối đầu hạt nhân lại đóng vai trò chủ đạo.

[Rút khỏi INF - Mồi lửa thổi bùng căng thẳng Mỹ-Trung Quốc]

Dù đạt được thế cân bằng hạt nhân tại bất kỳ thời điểm nào, song không nước nào muốn là bên khai hỏa đầu tiên vì ngay cả khi xảy ra nguy cơ nhỏ nhoi về việc ném bom hạt nhân vào lãnh thổ của nước nào đó hoặc các lực lượng của nước nào đó thì điều này là không thể chấp nhận được.

Ngoài ra, điều này còn có thể kích hoạt chuỗi phản ứng khó đoán định với những hậu quả khôn lường. Đó là lý do vì sao Mỹ đã không cố ngăn chặn những năng lực non trẻ của Trung Quốc trong những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, vì sao Liên Xô bị kiềm chế sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1969 và vì sao Triều Tiên vẫn không bị tấn công bởi sức mạnh hạt nhân của Mỹ ngày nay.

Vậy ý nghĩa cuộc đua hạt nhân là gì? Mục đích chính của cuộc đua vũ khí hạt nhân là gì nếu không tạo ra sự cân bằng thực sự? Trước hết, sự đáp trả “mạnh mẽ” giúp ban lãnh đạo chính trị và quân sự cảm nhận tốt về hình ảnh của mình dù điều này chủ yếu mang tính biểu tượng...

Học giả Benjamin Miller đã đề cập cách đáp trả cân bằng. Theo đó, đáp trả cân bằng giữa các nước cạnh tranh hạt nhân bắt nguồn từ “lối tư duy” ăn sâu vào giới tinh hoa chiến lược, một lối tư duy bị ám ảnh bởi lịch sử kéo dài của các cuộc chiến thảm khốc đến mức gần phải sử dụng vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, giới lãnh đạo chính trị tham gia vào cuộc cạnh tranh hạt nhân lại luôn phải đối phó với lực lượng cử tri trong nước để đảm bảo giữ được nền tảng ủng hộ chính trị của cử tri đối với họ. Họ muốn chứng tỏ quyết tâm không lùi bước bằng cách bộc lộ sự sẵn sàng đáp trả các mối đe dọa.

Ví dụ, người phát ngôn điện Kremlinv Dmitry Peskov đã đáp lại tuyên bố của ông Trump rằng “bạn không thể chơi trò đó với tôi” bằng tuyên bố rằng Nga sẽ hành động “để lấy lại sự cân bằng trong lĩnh vực này." Đây là một lối đấu khẩu điển hình cho thấy cuộc chơi mang tính biểu tượng của các cường quốc hạt nhân.

Tương lai khó đoán định. Do những căng thẳng chiến lược, một cuộc đua vũ trang mới sẽ tiếp tục diễn ra. Ở đâu đó, một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra, các cuộc đàm phán sẽ lại bắt đầu và các cường quốc cạnh tranh quyền lực sẽ phải nỗ lực duy trì sự cân bằng ổn định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục