Tuyên Quang cần phát huy lợi thế từ kinh tế rừng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tỉnh Tuyên Quang áp dụng khoa học công nghệ và cơ chế chính sách để người làm rừng sống được bằng nghề rừng.
Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh Tây Bắc, ngày 14/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo và chủ chốt của tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Tuyên Quang vẫn là tỉnh nghèo, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tiến độ xây dựng các dự án đầu tư xây dựng cơ bản chậm, đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa con khó khăn. Do vậy, Tuyên Quang cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền Tuyên Quang phải chỉ đạo quyết liệt thực hiện cho được Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra, trong đó GDP tăng trưởng 14%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 740USD, giảm nghèo còn 15%. Tỉnh cần rà soát cụ thể từng ngành, lĩnh vực nhằm tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Trên cơ sở tiềm năng lợi thế về nông lâm-ngư nghiệp, nhất là nông nghiệp, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo thâm canh tăng năng suất lúa, ngô, chè, lạc...gắn chăn nuôi chất lượng cao. Riêng đối với lĩnh vực lâm nghiệp - một lợi thế lớn với gần nửa triệu ha rừng kinh tế, tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt áp dụng khoa học công nghệ và cơ chế chính sách tạo năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn, để người làm rừng sống được bằng nghề rừng.

Tuyên Quang chú trọng hoàn thành và triển khai các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, các quy hoạch ngành, vùng, lĩnh vực và đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng tới công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, khai thác chế biến khoáng sản chì, kẽm.

Tỉnh cần phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông và thông tin; hoàn thiện và ban hành rộng rãi các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích và kêu gọi đầu tư; thực hiện cải cách hành chính nhằm tạo cơ chế thông thoáng, cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển kinh tế, thu hút, khuyến khích mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời tỉnh cần chú ý kiểm soát, phòng chống ô nhiễm môi trường; chú trọng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển mạnh giáo dục, dạy nghề, chăm lo an sinh, phúc lợi xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Thủ tướng giao các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải… quan tâm giải quyết một số kiến nghị của tỉnh nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất của đồng bào vùng tái định cư; xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, phát triển kinh tế-xã hội vùng căn cứ cách mạng, đào tạo nghề nhất là cho đồng bào các dân tộc thiểu số, xây dựng trung tâm phòng chống bệnh xã hội./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục