Tỷ giá - Bài toán không riêng của ngân hàng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định, điều hành thị trường ngoại tệ và tỷ giá là bài toán khó của cả nền kinh tế khi mức độ hội nhập của Việt Nam với khu vực và quốc tế đã tương đối sâu rộng nhưng vẫn muốn duy trì chính sách tiền tệ tương đối độc lập.

Ông cho rằng mức tỷ giá như hiện nay là hợp lý khi lạm phát được kiểm soát và đồng USD đang có xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế, đặc biệt là đối với đồng tiền của các nước trong khu vực có cơ cấu xuất khẩu tương đối giống với Việt Nam.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định, điều hành thị trường ngoại tệ và tỷ giá là bài toán khó của cả nền kinh tế khi mức độ hội nhập của Việt Nam với khu vực và quốc tế đã tương đối sâu rộng nhưng vẫn muốn duy trì chính sách tiền tệ tương đối độc lập.

Theo Thống đốc, có một số nguyên nhân chủ yếu của tình trạng căng thẳng ngoại tệ trên thị trường trong thời gian vừa qua. Một là, khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tới tâm lý găm giữ ngoại tệ của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khiến các ngân hàng thương mại không có đủ ngoại tệ để điều hòa cho nền kinh tế.

Thêm vào đó, giới đầu cơ lợi dụng tâm lý găm giữ ngoại tệ trên thị trường, đưa ra những tin đồn thất thiệt như tin đồn về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phá giá thêm 5% nữa khiến dư luận hoang mang, gây nên biến động tỷ giá trên thị trường “chợ đen”.

Cùng lúc đó, tác động phụ của chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất khiến cho lãi suất vay đồng Việt Nam trở nên hấp dẫn, chỉ còn khoảng 5-6% sau khi đã được hỗ trợ lãi suất. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp có tâm lý muốn vay VND, đồng thời giữ ngoại tệ để chờ thu lợi từ chênh lệch giá. Do vậy, nếu giải tỏa được yếu tố tâm lý và xử lý hài hòa lợi ích của việc nắm giữ VND và USD thì sẽ giải quyết được tình trạng trên.
 
Có ý kiến cho rằng, chỉ cần Ngân hàng Nhà nước tăng thêm cung USD cho thị trường, áp lực thiếu USD sẽ dịu tức thời… Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, khi lựa chọn các biện pháp điều hành thị trường ngoại tệ và tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước luôn phải đảm bảo sự bền vững của cán cân thanh toán quốc tế, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam là một nước nhập siêu suốt 23 năm qua và dự kiến sẽ còn nhập siêu trong những năm tới.
 
Một yếu tố quan trọng khác cũng cần phải tính tới là khi có sẵn nguồn ngoại tệ trong tay, các doanh nghiệp lại ồ ạt nhập khẩu, nhất là những mặt hàng không thiết yếu, làm tăng nhập siêu, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất trong nước. Ngoài ra, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã được hỗ trợ khi vay vốn để xuất khẩu nhưng khi thu được ngoại tệ lại không bán cho ngân hàng.
 
Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, các luồng ngoại tệ chuyển vào bao gồm FDI, vay trung dài hạn, kiều hối trong 5 tháng cuối năm tương đối khả quan và hoàn toàn có thể bù đắp thâm hụt thương mại. Do vậy, các doanh nghiệp đang găm giữ USD sẽ phải tính toán lại, nếu không họ sẽ bị thiệt hại về mặt kinh tế với mặt bằng lãi suất USD và VND như hiện nay.
 
Mặc dù có một số doanh nghiệp phàn nàn, nhưng điều hành chính sách phải xét đến lợi ích của toàn bộ nền kinh tế. Thống đốc Giàu khẳng định, Chính phủ đã có chủ trương không khuyến khích nhưng có nhiều doanh nghiệp vẫn nhập khẩu những mặt hàng mà đáng lẽ ra có thể khai thác từ nguồn nguyên phụ liệu có sẵn trong nước. Bên cạnh đó, còn tồn tại một vấn đề mang tính xã hội là việc nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn.
 
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ổn định thị trường. Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố những thông tin về kinh tế vĩ mô để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế đất nước và các chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng thương mại cũng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay USD xuống còn từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn USD.
 
Theo Thống đốc, mức tỷ giá như hiện nay là hợp lý khi lạm phát được kiểm soát và đồng USD đang có xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế, đặc biệt là đối với đồng tiền của các nước trong khu vực có cơ cấu xuất khẩu tương đối giống với Việt Nam.
 
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong những tháng đầu năm, dư nợ cho vay ngoại tệ giảm, tuy nhiên trong những tuần gần đây, với các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay ngoại tệ bắt đầu tăng trở lại. Đây là dấu hiệu tích cực thể hiện sự điều chỉnh và năng động của cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp./.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục