Tỷ giá đã không còn là nỗi lo của Ngân hàng và DN

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ các biện pháp ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Một số biện pháp quan trọng cho thấy sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách quản lý tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc Tế (VIB) cho biết: "Sau hàng chục năm, lần đầu tiên Việt Nam mới thực sự xử lý được tình trạng vàng hóa và đôla hóa. Đây là một điểm sáng và Ngân hàng Nhà nước làm rất tốt."
Ngày 25/9, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ các biện pháp ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Một số biện pháp quan trọng cho thấy sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách quản lý tỷ giá và thị trường ngoại tệ, như công khai ngay từ đầu năm định hướng tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá trong năm 2013 với mức biến động 2 - 3% nhằm ổn định tâm lý thị trường, định hướng kỳ vọng tỷ giá và củng cố niềm tin của người dân vào VND.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 20.828 VND/USD lên mức 21.036 VND/USD kể từ ngày 28/6/2013, đồng thời điều chỉnh giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, đảm bảo phù hợp với diễn biến cung cầu ngoại tệ.

Việc điều hành linh hoạt tỷ giá mua vào USD của Ngân hàng Nhà nước đã khuyến khích các tổ chức tín dụng bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước, qua đó tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và điều chỉnh linh hoạt tỷ giá bán ra nhằm can thiệp thị trường, phù hợp với mục tiêu ổn định thị trường.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã kết hợp chặt chẽ việc điều hành chính sách quản lý tỷ giá và thị trường ngoại tệ, với các công cụ chính sách tiền tệ để điều hòa lượng tiền VND cung ứng khi mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước nhằm không gây áp lực lên lạm phát và không ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước khẳng định, cùng với việc theo dõi sát diễn biến thị trường và thực hiện các biện pháp điều hành cần thiết khi thị trường có biến động bất thường (như thời điểm từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 và từ giữa tháng 5 đến hết tháng 7), Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời khẳng định quyết tâm duy trì ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá theo đúng định hướng đã công bố.

Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu một số ngân hàng thương mại lớn tăng cường bán ngoại tệ can thiệp trên thị trường và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp với mức tỷ giá hợp lý; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm ổn định thị trường.

Nhờ triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp ổn định thị trường, từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá về cơ bản diễn biến ổn định, phù hợp với diễn biến cung cầu ngoại tệ trên thị trường và góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu ngoại tệ. Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, tăng niềm tin vào đồng Việt Nam. Những biến động bất thường trong một số thời điểm đã được Ngân hàng Nhà nước can thiệp kịp thời nên thị trường ngoại tệ và tỷ giá đã nhanh chóng ổn định trở lại.

Cũng đồng tình với Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc Tế (VIB) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp chủ động và liên tục đưa ra thông điệp rõ ràng để ổn định tỷ giá sau 2 lần biến động mạnh kể từ đầu năm 2012. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá vẫn có thể xảỵ ra nhằm hỗ trợ xuất khẩu.

Ông Trung đưa ra con số dự báo tỷ giá USD/VND cuối năm 2013 là 21.300-21.500 đồng/USD, tăng lên 21.750 đồng/USD vào năm 2014, và dao động trong khoảng 22.100-22.200 đồng vào năm 2015.

Tuy nhiên, theo ông Trung, vẫn có 4 yếu tố áp lực lên tỷ giá USD/VND. Thứ nhất là việc Chính phủ có thể điều chỉnh chính sách tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu. Thứ hai là tính chu kỳ, mùa vụ, cuối năm nhu cầu thanh toán thường tăng cao nên cầu ngoại tệ cũng tăng. Thứ ba là việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phải nhập vàng (chi tiêu dự trữ) để cung cấp vàng miếng cho thị trường trong nước. Cuối cùng là các sản phẩm cấu trúc (cho vay VND lãi suất USD) đến hạn khiến cẩu về USD tăng lên.

Ông Trung cũng cho biết thêm, tốc độ đôla hóa đã giảm mạnh, thể hiện ở lượng tiền gửi và tín dụng ngoại tệ đã giảm. Chức năng thanh toán của USD và vàng cũng đã được hạn chế. Qua đó để chủ động hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

"Sau hàng chục năm, lần đầu tiên Việt Nam mới thực sự xử lý được tình trạng vàng hóa và đôla hóa. Đây là một điểm sáng và Ngân hàng Nhà nước làm rất tốt," ông Trung nhấn mạnh.

Theo ông Lê Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đak Lak, nhờ tỷ giá ổn định trong thời gia qua nên Công ty đã vay được nguồn ngoại tệ lớn để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu cà phê của mình.
 
Ông Hùng cho biết, vay ngoại tệ bảo đảm hơn, lãi suất cũng rẻ hơn 50% so với vay tiền đồng, chính vì vậy, Công ty mới cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn.

Báo cáo 8 tháng của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tỷ giá đã cơ bản ổn định, tình trạng đôla hóa đã giảm mạnh, tỷ lệ giữa tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán giảm từ trên 30% trong những năm 1990 xuống 15,8% cuối năm 2011 và khoảng 12,3% cuối năm 2012, đến cuối tháng 8/2013 còn khoảng 12%.

Tín dụng bằng ngoại tệ cũng giảm mạnh phù hợp với chủ trương chuyển quan hệ huy động-cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua-bán bằng ngoại tệ, giảm sức ép tín dụng bằng ngoại tệ và rủi ro liên quan đến chênh lệch giữa các loại tiền của hệ thống ngân hàng.

Nhờ tỷ giá ổn định, tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế giảm nên Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, góp phần tăng tiềm lực tài chính và uy tín của quốc gia./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục