Tỷ giá USD giảm mạnh

Tỷ giá USD giảm mạnh nhờ nguồn cung ổn định

Lượng USD ngân hàng mua được tăng gấp nhiều lần so với trước nên tỷ giá liên ngân hàng USD/VND liên tục được điều chỉnh giảm.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày cuối tuần (23/4) xuống 20.708 đồng, tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 20.915 đồng/USD.

Như vậy, tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng giảm 25 đồng sau 4 phiên điều chỉnh giảm liên tiếp kể từ khi lập đỉnh tỷ giá tại 20.733 đồng/USD hôm 19/4.

Chênh lệch giá mua bán USD tại các ngân hàng thương mại cũng liên tục được nới rộng, từ 10 - 20 đồng/USD hôm đầu tuần lên tới 80 đồng/USD ngày hôm qua.

Sáng 23/4, tại ACB, USD được mua vào ở mức 20.700 đồng và bán ra 20.790 đồng; tại Eximbank, USD được niêm yết giá mua vào ở mức 20.700 đồng và bán ra 20.780 đồng; tại Vietcombank niêm yết giá mua vào là 20.730 đồng và bán ra là 20.830 đồng; tại DongABank được niêm yết mua vào ở mức 20.690 đồng và bán ra là 20.800 đồng.

Giá USD giảm mạnh biến động nhiều nhất trong ngày 22/4. Buổi sáng các ngân hàng lớn như Vietcombank, Eximbank, Đông Á đều đồng loạt niêm yết giá bán USD ở 20.880 đồng/USD. Tuy nhiên đến trưa do các doanh nghiệp xuất khẩu và người dân bán quá mạnh, các ngân hàng buộc phải rút xuống 20.840 đồng/USD, giá mua vào còn 20.740-20.760 đồng/USD, giảm 100 đồng/USD so với đầu giờ sáng.

Đầu giờ chiều các ngân hàng còn giảm giá bán USD thêm một lần nữa. ACB niêm yết giá USD bán ra còn 20.790 đồng/USD, giảm 90 đồng/USD so với buổi sáng. Trong khi đó giá bán của Eximbank cao hơn 10 đồng, đạt 20.800 đồng/USD. Giá mua USD cũng giảm mạnh, chỉ còn 20.720-20.730 đồng/USD. Như vậy so với mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước, giá bán USD tại các ngân hàng đang thấp hơn đến 125 đồng/USD.

Như vậy, sau một thời gian dài liên tục đẩy giá USD bán ra kịch trần cho phép, nhiều thời điểm giá mua vào san bằng giá bán và cũng kịch trần, diễn biến trên mới xuất hiện trên thị trường ngoại hối.

Những diễn biến trên cần tiếp tục được theo dõi để có thể khẳng định một xu hướng mới. Nhưng kể từ sau ngày 13/4, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách áp trần lãi suất huy động USD đối với dân cư ở mức 3%/năm, sự dịch chuyển của dòng vốn đang thể hiện. Các ngân hàng cho biết người dân đã bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng để chuyển sang VND khi cân nhắc lợi ích về lãi suất. Và một thực tế là giá mua vào USD trên thị trường tự do đã thấp hơn giá của các ngân hàng thương mại.

Tham khảo tại một ngân hàng thương mại cổ phần lớn ở Hà Nội, lượng ngoại tệ mua chuyển khoản từ đầu tuần đến nay đã đạt gần 100 triệu USD, gấp tới khoảng 3 lần so với tuần liền trước. Có những ngân hàng, lượng ngoại tệ mua được trong những ngày gần đây tăng 30% so với trước. Đáng chú ý là sự đột biến của lượng ngoại tệ tiền mặt mua được, chủ yếu từ dân cư, từ các doanh nghiệp xuất khẩu vì nếu những doanh nghiệp này không bán ra mà gửi tiết kiệm thì cũng chỉ được có 1%/năm, trong khi đó giá USD liên tục trượt dài trong những ngày qua.

Sự gia tăng chóng mặt của nguồn cung ngoại tệ thương mại cho thấy cả doanh nghiệp và người dân đang đẩy mạnh bán lại cho các ngân hàng. Điều này trực tiếp tạo áp lực đè tỷ giá USD/VND liên tục điều chỉnh. Và diễn biến trong mấy ngày này là đặc biệt nhất sau một thời gian dài căng thẳng nguồn cung và tỷ giá trên thị trường ngoại hối.

Theo các ngân hàng, lý do cá nhân tìm đến ngân hàng bán USD còn do giá USD biến động quá mạnh, các tiệm vàng có xu hướng ép giá mua xuống thấp để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, bán USD cho ngân hàng an toàn hơn vì thời điểm này Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc mua bán ngoại tệ trái phép.

Như vậy, sau 2 tháng kể từ khi Nghị quyết 11 của Chính phủ ra đời, tỷ giá đã có dấu hiệu tích cực, nguồn cung trên thị trường tăng, người dân đã dễ dàng mua được ngoại tệ từ ngân hàng./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục