Tỷ lệ 30% đang cản trở vốn đầu tư gián tiếp

Những quy định về tỷ lệ sở hữu 30% vốn điều lệ của công ty đối với người nước ngoài đã và đang cản trở luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Đại bộ phận các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ so với thế giới, vì vậy số vốn đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài thực tế là rất thấp, không đạt yêu cầu về quản lý danh mục đầu tư.
Hiện vốn đầu tư gián tiếp của các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 0,05% trong tổng nguồn vốn của các quỹ hiện có.

Một trong những kênh thu hút vốn đầu tư gián tiếp mạnh nhất là thị trường chứng khoán cũng chỉ mới thu hút được khoảng 5 tỷ USD vào năm 2007, trong khi Trung Quốc thu hút 480 tỷ USD, Philippines là 80 tỷ USD, Thái Lan là 110 tỷ USD.

Thạc sĩ Đặng Minh Tiến, Trung tâm đào tạo các vấn đề kinh tế hiện đại cho rằng, sự tăng trưởng dưới mức tiềm năng của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài là do thiếu những cơ sở pháp lý cần thiết.

Mặc dù đã nhiều lần sửa đổi thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán nhưng những quy định pháp lý dành cho các nhà đầu tư gián tiếp vẫn rất phiền hà, thiếu minh bạch, không đồng bộ.

Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã xóa bỏ tỷ lệ cổ phần hạn chế cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam, trừ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải giới hạn tỷ lệ sở hữu. Tuy nhiên, danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện này chưa được công bố.

Những quy định về tỷ lệ sở hữu 30% vốn điều lệ của công ty đối với người nước ngoài đã và đang cản trở luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Quy định trên khiến các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể là cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần vì bị khống chế tỷ lệ.

Trong khi đó, đại bộ phận các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ so với thế giới, vì vậy số vốn đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài thực tế là rất thấp, không đạt yêu cầu về quản lý danh mục đầu tư.

Tỷ lệ cổ phần nhà nước còn quá cao trong các công ty cổ phần, trung bình từ 40-51%, do vậy các nhà đầu tư nước ngoài khó có khả năng tác động cơ bản tới phương thức quản trị doanh nghiệp, nhất là khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh hoặc kinh doanh kém hiệu quả.

Đây chính là rủi ro về đầu tư, làm cho cổ phiếu kém tính thanh khoản, khiến nhà đầu tư nước ngoài luôn bị động. Hơn nữa, quy định này khiến Việt Nam khó có thể thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vào doanh nghiệp cổ phần vì tỷ lệ sở hữu ít, quy mô nhỏ.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có nguy cơ giảm sút vì trong điều kiện lạm phát trong nước vẫn cao và khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà lắm với thị trường chứng khoán và liên tục bán ra trái phiếu chính phủ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong một thời gian dài liên tục mất điểm đang bị đánh giá là địa điểm đầu tư có độ rủi ro cao đối với đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2009 là 4,1% thì Việt Nam vẫn là nước tăng trưởng kinh tế nhanh và nhu cầu về vốn phát triển kinh tế vẫn thực sự lớn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến năm 2010 Việt Nam vẫn cần tới 150 tỷ USD để đầu tư phát triển, trong đó cần khoảng 30% vốn từ bên ngoài.

Theo các chuyên gia, để dòng vốn đầu tư gián tiếp nhiều hơn và bền vững hơn, Việt Nam cần nghiên cứu các giải pháp về nới lỏng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài như nhiều nước trong khu vực đã làm, đặc biệt là trong ngành ngân hàng.

Việt Nam cũng cần ban hành các danh mục ngành nghề không cho phép các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài tham gia; ngành nghề nhạy cảm; hạn chế đầu tư nước ngoài; mở rộng ngành nghề được phép thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Đồng thời, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tăng cường tính minh bạch của thị trường chứng khoán; ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, thực thi chính sách mở cửa thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài bằng cách ban hành các chính sách khuyến khích hoạt động lâu dài của các quỹ đầu tư nước ngoài./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục