Tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone lại tăng lên cao kỷ lục

Tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone đã leo lên mức cao kỷ lục 10,9% trong tháng Ba vừa qua và điều này đang gây áp lực lên các chính phủ.
Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã leo lên mức cao kỷ lục 10,9% trong tháng Ba vừa qua và điều này đang gây áp lực lên các chính phủ, buộc họ phải tính toán đến việc thay đổi từ chính sách "thắt lưng buộc bụng" sang kích thích tăng trưởng nhằm khôi phục nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn.

Như vậy tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone tháng Ba đã cao hơn mức tương ứng 10,8% tháng 2/2012 và thông cáo này được đưa ra cùng thời điểm.

Theo một kết quả điều tra, hoạt động chế tạo tại Eurozone đã rơi xuống mức thấp nhất trong gần ba năm trở lại đây, trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu và tăng thuế đang đẩy cả liên minh tiền tệ này vào cảnh suy thoái.

Eurostat cho biết, gần 17,37 triệu lao động nam và nữ tại Eurozone ở trong tình trạng thất nghiệp tính đến tháng 3/2012, cao hơn 169.000 người so với tháng trước đó và là tháng thứ 11 tỷ lệ này tăng liên tiếp.

Trong khi đó, chỉ số quản lý sức mua trong Eurozone (do Markit thực hiện) cũng giảm mạnh từ 47,7 điểm tháng 2/2012 xuống 45,9 điểm tháng 3/2012, thể hiện sự sụt giảm tháng thứ chín liên tiếp của lĩnh vực chế tạo trong khu vực.

Chuyên gia phân tích Bruno Cavalier thuộc Công ty chứng khoán ODDO nhận định rằng, việc Eurozone rơi vào suy thoái không phải là thông tin mới, song những số liệu trên cho thấy mức độ suy thoái trong khu vực không hề giảm sút chút nào kể từ đầu mùa Xuân năm nay và điều này kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu hãy thức tỉnh trong các quyết sách mới về kinh tế.

Trong thông cáo mới nhất, Capital Economics cũng cho rằng, số liệu thất nghiệp và chế tạo là "hồi chuông cảnh báo" lớn nhất đối với nhà lãnh đạo trên khắp châu Âu về tính cần thiết phải áp dụng chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế, cho dù tỷ lệ thất nghiệp rất chênh lệch giữa những nước thành viên bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái như Tây Ban Nha lên tới 24,1%, song ở Đức chỉ là 5,6% trong tháng Ba vừa qua.

Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi gần đây đã kêu gọi các nước thông qua một thỏa thuận về tăng trưởng kinh tế, song song với sự đồng thuận về tài chính hồi đầu năm nhằm thắt chặt chính sách tài chính trên khắp EU.

Tuy nhiên, ông Draghi thận trọng cho rằng, thỏa thuận tăng trưởng không nhất thiết phải phụ thuộc vào kích thích chi tiêu mà phải dựa vào cải cách cơ cấu./.

Trang Nhung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục