Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của VN giảm còn 20%

Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng Việt Nam đã giảm từ 38,7% năm 1998 xuống còn 19,9%, vượt 2 năm so với mục tiêu được giao.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở Việt Nam đã giảm từ 38,7% năm 1998 xuống còn 19,9%, vượt 2 năm so với mục tiêu mà Đảng và Nhà nước giao.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, tổ chức ngày 23/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, trong 10 năm qua, các hoạt động của chương trình mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đã được triển khai đồng bộ đến các xã phường trên toàn quốc.

Các hoạt động trọng tâm gồm xây dựng phòng khám tư vấn dinh dưỡng và các khoa dinh dưỡng tiết chế tại các bệnh viện nhằm phục hồi sớm dinh dưỡng bệnh nhi khi ốm đau phải nằm điều trị; theo dõi tăng trưởng trẻ em, triển khai các can thiệp cộng đồng như bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ 6-36 tháng tuổi 2 đợt/năm và bổ sung viên sắt cho phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ có thai; bổ sung vitamin A mở rộng cho trẻ từ 6-60 tháng, tẩy giun cho toàn bộ trẻ từ 24-60 tháng, bổ sung viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai.

Ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, nguồn kinh phí hàng năm của tỉnh dành cho hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng cũng tăng, trung bình là 15 tỷ/năm.

Các tổ chức quốc tế đã có những hỗ trợ về kỹ thuật cho hoạt động chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em và cung cấp một số trang thiết bị, thuốc.

Một trong những lực lượng quan trọng trong việc triển khai các chương trình, hoạt động dinh dưỡng giai đoạn vừa qua là trên 10.000 cán bộ chuyên trách các cấp và hơn 107.000 cộng tác viên dinh dưỡng, y tế thôn bản trên toàn quốc.

Tuy nhiên Việt Nam vẫn đang đứng trước những khó khăn, tồn tại và thách thức lớn, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở một số vùng miền giảm chậm và không bền vững do thiên tai như hạn hán, bão lũ.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức rất cao 32,6% và phổ biến ở hầu hết các vùng trong cả nước. Tình trạng trẻ em thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở các thành phố lớn.

Tại hội nghị, đại diện các lực lượng tham gia trực tiếp vào công cuộc phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, y tế... đã nêu kiến nghị, để nâng cao tầm vóc người Việt Nam, để công tác giảm suy dinh dưỡng trẻ em có kết quả bền vững, trong thời gian tới cần triển khai ngay các giải pháp cam thiệp dinh dưỡng sớm và đặc hiệu từ giai đoạn trước khi mang thai của bà mẹ và với trẻ em trong 2 năm đầu tiên của cuộc đời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục