Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump cao nhất trong 7 tháng qua

Theo kết quả thăm dò mới nhất do Đại học Quinnipiac thực hiện, tỷ lệ người dân ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt 40%, mức cao nhất kể từ tháng 6/2017.
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump cao nhất trong 7 tháng qua ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: UPI/TTXVN)

Theo kết quả thăm dò mới nhất do Đại học Quinnipiac thực hiện, tỷ lệ người dân ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt 40%, mức cao nhất kể từ tháng 6/2017.

Ngoài ra, 48% số người Mỹ được hỏi bày tỏ tin tưởng vào các quyết sách của ông chủ Nhà Trắng khi đánh giá tình hình kinh tế hiện nay.

Trong cuộc thăm dò tiến hành từ ngày 2-5/2 với 1.333 cử tri trên cả nước thông qua điện thoại, 70% cử tri Mỹ cho rằng nền kinh tế Mỹ đang có thể trạng "tuyệt vời" hoặc "tốt," tăng 66% so với cuộc thăm dò ngày 10/1. Tổng cộng 75% người được hỏi đánh giá tình hình tài chính hiện nay là "tuyệt vời" hoặc "tốt."

Tuy nhiên, cũng có tới 55% người được hỏi vẫn khá thận trọng khi đánh giá cao những gì Tổng thống Trump đã làm được, và 60% cho rằng ông đang khiến nước Mỹ chia rẽ hơn là đoàn kết.

[Thông điệp liên bang đa mục tiêu của Tổng thống Mỹ Donald Trump]

Phát biểu ngày 8/2, Trợ lý Giám đốc đơn vị tiến hành thăm dò của trường trên, ông Tim Malloy cho rằng đây là lần đầu tiên trong bảy tháng, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump cao kỷ lục, nhưng còn xa mới đạt đến ngưỡng 50% kỳ diệu.

Tổng thống Trump đã có một năm đầu cầm quyền với nhiều dấu ấn khác biệt thông qua những quyết định bất ngờ và khác thường, thậm chí gây tranh cãi gay gắt. Hàng loạt quyết sách mà ông Trump đưa ra nhằm thực hiện lời hứa đưa “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” chẳng những đã đảo ngược các chính sách dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, mà còn phá vỡ những nguyên tắc lãnh đạo truyền thống của nước Mỹ.

Nước Mỹ năm qua thực sự đã khẳng định vị thế của “nền kinh tế số một thế giới” với mức tăng trưởng duy trì ổn định khoảng 3%, thị trường chứng khoán liên tục bứt phá. Đây được xem là thành tích kinh tế hết sức ấn tượng bởi 8 năm cầm quyền của Tổng thống Barack Obama, từng được coi là một trong những giai đoạn kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng gần 30 năm qua, mức tăng trưởng bình quân cũng chỉ đạt 1,6%.

Tuy nhiên, không ít quyết định phục vụ cho chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump lại gây chia rẽ sâu sắc trong chính nội bộ nước Mỹ. Các biện pháp thắt chặt kiểm soát người nhập cư, trong đó có sắc lệnh hạn chế nhập cảnh và di trú đối với người dân từ một số quốc gia Trung Đông và châu Phi có người Hồi giáo chiếm đa số, đã làm bùng phát làn sóng biểu tình phản đối mạnh mẽ của người dân Mỹ.

Mặc dù Tổng thống Trump nói rằng sắc lệnh này chỉ nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố cực đoan và việc siết chặt các quy định về nhập cư đã làm giảm 70% số lượng người vượt biên trái phép vào Mỹ so với năm 2016, song những quyết định của Tổng thống Trump cũng kéo theo những rắc rối pháp lý suốt năm đầu nhiệm kỳ của ông mà cho tới nay vẫn chưa kết thúc.

Ngay cả đạo luật cải cách thuế mà ông Trump tuyên bố là “đợt cắt giảm thuế lịch sử đối với người dân Mỹ,” cũng là chủ đề gây tranh luận nảy lửa tại Quốc hội và trong xã hội Mỹ. Chính những quyết sách gây tranh cãi này đã khiến người dân hoài nghi nhiều hơn tin tưởng khi ông là nhà lãnh đạo Mỹ có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong năm đầu cầm quyền trong vòng gần 60 năm trở lại đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục