UB Thường vụ Quốc hội ưu tiên trả lời chất vấn

Chiều 25/2, phiên họp thứ 17 Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiếp tục dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, xem xét cho ý kiến về việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến diễn ra vào tháng 3.

Chiều 25/2, phiên họp thứ 17 Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiếp tục dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, xem xét cho ý kiến về việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến diễn ra vào tháng 3.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh để việc chất vấn và trả lời chất vấn trong phiên họp tới đạt hiệu quả cao, Ban công tác đại biểu cần khẩn trương tập hợp nội dung chất vấn, lựa chọn các vấn đề liên quan đến những bức xúc của đời sống xã hội đang được cử tri quan tâm để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Việc trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 1 ngày và cần ưu tiên đối tượng trả lời chất vấn là các Bộ trưởng, trưởng ngành ít hoặc chưa từng trả lời chất vấn tại Quốc hội. Bên cạnh đó, cần tập hợp câu hỏi thành các nhóm có cùng nội dung để nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan cùng trả lời.

Quyết định về việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ được đưa ra sát với ngày diễn ra phiên họp này để đảm bảo thời gian tập hợp, đánh giá, lựa chọn các câu hỏi chất vấn mà các đại biểu Quốc hội đưa ra.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng về nguyên tắc, tất cả các các chất vấn của đại biểu Quốc hội phải được trả lời trước Quốc hội, hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì vậy Ban công tác đại biểu cần tổng hợp cụ thể nội dung chất vấn để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu ý kiến tại phiên họp sắp tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong thời gian một ngày thì chỉ nên chất vấn 3 Bộ trưởng để đảm bảo việc trả lời được cụ thể, rõ ràng về nội dung chất vấn và các vấn đề liên quan phát sinh trong quá trình trả lời chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể lựa chọn nội dung chất vấn gắn với các vấn đề được cử tri quan tâm ở ba lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội và tư pháp.

Theo Trưởng ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã có 326 chất vấn của 133 đại biểu Quốc hội thuộc 51 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi tới Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, trưởng ngành. Thủ tướng Chính phủ và 7 vị Bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường. Có 5 Bộ trưởng, trưởng ngành có nhiều chất vấn nhất mà chưa kịp trả lời hết cho các đại biểu Quốc hội tại hội trường là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục