Uber cần hoàn thiện đăng ký hoạt động theo quy định pháp luật

Ngày 14/2, tại buổi làm với Công ty Uber Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục khẳng định không cấm Uber hoạt động, tuy nhiên đơn vị này cần phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Uber cần hoàn thiện đăng ký hoạt động theo quy định pháp luật ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Ngày 14/2, Bộ Giao thông Vận tải đã có buổi làm việc với Công ty ​Trách nhiệm hữu hạn Uber Việt Nam liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải bác Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Uber Việt Nam.

Tại ​buổi làm, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục khẳng định không cấm Uber hoạt động, tuy nhiên đơn vị này cần phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Đặc biệt, Uber muốn được tham gia đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng như Grab phải bổ sung các quy định và tiêu chí Bộ Giao thông Vận tải đã nêu như quyền và trách nhiệm đơn vị cung cấp dịch vụ, ứng dụng khoa học công nghệ và đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành khách, cũng như chưa có quy chế phối hợp, giải quyết các khiếu nại của hành khách…

Ngoài ra, Uber phải làm việc các bộ khác như bộ, ngành khác để hoàn thiện việc đăng ký hoạt động theo quy định pháp luật.

Đại diện Uber Việt Nam hứa sẽ tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong hoạt động kinh doanh của mình. Đồng thời sẽ làm việc các bộ, ngành để hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm đủ điều kiện tham gia vào đề án thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải.

Cũng tại buổi họp này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu Uber thực hiện kinh doanh vận tải theo đúng quy định pháp luật.

Trong đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Uber sớm có buổi làm việc với đơn vị để báo cáo hoạt động của Uber tại Hà Nội, danh sách các đơn vị và cá nhân mà Uber đã cung cấp dịch vụ, đăng ký hoạt động kinh doanh....

Đại diện Uber khẳng định sẽ có buổi làm việc chính thức với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về vấn đề này.

Trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết thời gian qua, đơn vị đã lập 22 biên bản xe kinh doanh hành khách theo hình thức kết nối bằng phần mềm ứng dụng Uber, với số tiền gần 120 triệu đồng. Đối tượng vi phạm gồm các cá nhân và đơn vị kinh doanh vận tải.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, để xử phạt hoạt động của Uber rất khó, vì không thể nhận dạng. Tuy nhiên, thời gian qua đơn vị đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ như hóa trang để xử phạt các xe này.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, văn bản trả lời Công ty Trách nhiệm hữu hạn Uber Việt Nam về Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của đơn vị này, Bộ Giao thông Vận tải không mang thông điệp có ý định cấm Uber hoạt động tại Việt Nam.

Bộ chỉ từ chối Đề án Thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Uber.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ muốn Uber Việt Nam phải bổ sung và hoàn thiện một vài thủ tục pháp lý để đảm bảo hoạt động kinh doanh theo quy định hiện hành.

“Ở đây không phải cấm họ hoạt động. Nhưng từ trước tới nay, quan điểm của Uber là họ không tham gia hoạt động vận tải mà chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm cho hoạt động vận tải.

Tuy nhiên, bất cứ doanh nghiệp nào muốn hoạt động thì phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh, hiện Uber mới đăng ký “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận” chứ chưa đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ xe vận tải hợp đồng nên cần bổ sung,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giải thích thêm.

Về việc ủy quyền của Công ty Uber BV (công ty mẹ ở Hà Lan) cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Uber Việt Nam tham gia Đề án thí điểm là chưa phù hợp, không đảm bảo ràng buộc trách nhiệm của Công ty Uber BV, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết sẽ yêu cầu Uber ở Hà Lan phải là đơn vị trực tiếp đăng ký tham gia và sẽ có chế tài để áp dụng nếu công ty này không bổ sung, hoàn thiện các thủ tục theo quy định.

Nói thêm về việc từ chối đề án của Uber nhưng lại chấp thuận đề án của Grab (một đơn vị có mô hình kinh doanh tương tự), Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết hoạt động của Grab đã được Chính phủ cho thí điểm tại 5 thành phố lớn trong thời hạn 3 năm.

Tuy nhiên, hiện Bộ Giao thông Vận tải cũng đã cho tổng kết lại việc thí điểm này để có phương án triển khai phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục