UBTV Quốc hội nhất trí cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân

Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân đồng thời cho rằng, đây là vấn đề mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực tiễn.
UBTV Quốc hội nhất trí cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân.

Tờ trình dự án Luật Trưng cầu ý dân do Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trình bày nêu rõ, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân còn tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực, đông đảo và quyết định vào các công việc của Nhà nước và xã hội phù hợp với bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước; đồng thời tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân gồm 9 chương, 56 Điều. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng khẳng định, việc ban hành Luật trưng cầu ý dân là cần thiết nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.

Qua thảo luận, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây là vấn đề mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực tiễn, do đó việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân phải gắn với thực tiễn, phù hợp với thể chế chính trị đất nước cũng như điều kiện kinh tế-xã hội và cuộc sống của nhân dân.

Tại Điều 6, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án quy định về những vấn đề đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân. Cụ thể: “Phương án 1: Những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Phương án 2: Những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân gồm: 1. Những vấn đề về sửa đổi Hiến pháp. 2. Những chính sách quan trọng có liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 3. Quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quan trọng. 4. Những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.”

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, thực chất 2 phương án trên là một. Vì cả 2 phương án đều chốt lại những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Do đó, dự thảo không nhất thiết phải ghi 2 phương án.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, tại khoản 15, Điều 70, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân và Khoản 4 Điều 120, quy định việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định. Do đó, điều này chúng ta cần khẳng định theo Hiến pháp và không cần làm nhiều phương án.

Về phạm vi trưng cầu ý dân (Điều 7), nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm. Bởi Hiến pháp chỉ quy định trưng cầu ý dân là thuộc Quốc hội, chứ chưa cụ thể về quy mô trưng cầu ý dân là toàn quốc hay trường hợp ở những vùng, miền. Một số ý kiến cũng cho rằng, có những việc không cần trưng cầu ý dân cả nước như: Việc tách tỉnh, xây dựng nhà máy điện hạt nhân… nếu đưa ra thì rất tốn kém và cũng không hiệu quả. Do đó, Ban soạn thảo cân nhắc thêm chứ không nhất thiết việc gì cũng trưng cầu ý dân toàn quốc.

Theo Chương trình phiên họp thứ 38, sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các Tờ trình, Đề án của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về các nội dung: Phê chuẩn bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn các đơn vị trong bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Ủy ban Kiểm sát của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; thành lập Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao; phê chuẩn danh sách Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; thành lập và giải thể Viện Kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực; phê chuẩn bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát quân sự các cấp; quy định về Kiểm tra viên Viện Kiểm sát Nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục