UBTVQH thảo luận dự án Pháp lệnh cảnh sát cơ động

Thảo luận về dự án Pháp lệnh cảnh sát cơ động, nhiều ý kiến tại phiên họp sáng 12/8 tán thành với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh
Ngay sau khi khai mạc Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã chủ trì nội dung thảo luận về dự án Pháp lệnh cảnh sát cơ động.

Tán thành cần thiết ban hành Pháp lệnh

Tờ trình chủ Chính phủ nêu rõ để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân nói chung, trong đó có lực lượng Cảnh sát vũ trang phải được thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, trong đó có nội dung quan trọng là xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động của Cảnh sát vũ trang.

Tuy nhiên, hiện nay tổ chức và hoạt động của lực lượng Cảnh sát vũ trang mới chỉ được quy định trong Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an, mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao quy định đầy đủ, toàn diện về xây dựng, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của lực lượng Cảnh sát vũ trang.

Cơ quan thẩm tra Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá Cảnh sát cơ động là lực lượng hoạt động tác chiến tập trung đặc thù với nhiệm vụ cơ bản là bảo vệ an ninh quốc phòng và phối hợp với các lực lượng khác trấn áp các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức... với tính cơ động cao, chủ yếu sử dụng biện pháp vũ trang khi thi hành nhiệm vụ.

Trong thực thi nhiệm vụ, các biện pháp vũ trang của lực lượng cảnh sát cơ động thường tác động trực tiếp đến một số quyền cơ bản của công dân nhưng hiện nay cơ sở pháp lý để xác định cho lực lượng cảnh sát cơ động được hoạt động như thế nào để bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn... thì chưa được quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao.

Do vậy trên cơ sở thống nhất với Luật Công an nhân dân và pháp luật có liên quan, tạo điều kiện pháp lý cho lực lượng này hoạt động hiệu quả, việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh và nhấn mạnh việc xây dựng pháp lệnh phải quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát vũ trang nói riêng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, nhất là Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia và bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh.

Thảo luận về thời gian thông qua Pháp lệnh vẫn còn có những quan điểm khác nhau. Dự kiến Pháp lệnh được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp tháng 12/2013- trước khi Quốc hội thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua Pháp lệnh vì có nhiều quy định liên quan mật thiết với Luật Công an nhân dân, trong khi Luật Công an nhân dân đã được Quốc hội quyết định sửa đổi và dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2014).

Ý kiến khác nhau về tên gọi của dự án Pháp lệnh

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về tên gọi của dự án Pháp lệnh.

Theo Nghị quyết số 07/2011/QH13 ngày 06/8/2011 của Quốc hội khoá XIII về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 thì tên gọi của dự án Pháp lệnh này là "Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động." Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Pháp lệnh, Chính phủ nhận thấy, tên gọi “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” chỉ phản ánh được một phương thức hoạt động và một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của lực lượng này.

Bởi vì, trong cơ cấu tổ chức hiện nay của lực lượng Cảnh sát cơ động bao gồm Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm và các lực lượng tham mưu, nghiệp vụ khác. Do vậy, để bảo đảm tính khái quát và phù hợp với tính chất hoạt động cũng như tổ chức bộ máy của lực lượng Cảnh sát vũ trang, đồng thời thể hiện chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng này là trực tiếp tiến hành biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tham khảo tên gọi và mô hình tổ chức Cảnh sát vũ trang của nhiều nước, Chính phủ đề nghị thay tên gọi dự án “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” bằng “Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang” cho phù hợp.

Qua thảo luận, một số ý kiến không tán thành với lập luận này của Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với quan điểm của đa số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh là cơ quan tiến thành thẩm tra dự án Pháp lệnh. Theo đó vũ trang là tính chất hoạt động được xác định cho 3 lực lượng: quân đội nhân dân, công an nhân dân, dân quân tự vệ; trong đó công an nhân dân gồm lực lượng an ninh nhân dân và cảnh sát nhân dân. Nếu sử dụng tên gọi cảnh sát vũ trang sẽ dẫn đến cách hiểu không thông nhất về lực lượng vũ trang và cho rằng các lực lượng cảnh sát khác trong công an nhân dân là phi vũ trang.

Bên cạnh đó, dùng tên gọi “cảnh sát vũ trang” chưa thể hiện đầy đủ tính chất, phương thức hoạt động, biện pháp công tác của lực lượng, chưa phải là tiêu chí để phân biệt lực lượng này với lực lượng trong công an nhân dân. Thực tế hoạt động, không chỉ lực lượng này mà nhiều lực lượng khác cùng sử dụng biện pháp vũ trang trong thi hành công vụ. Mặt khác tên gọi “cảnh sát cơ động” đã được sử dụng phổ biến và được quy định trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận nhiều nội dung cụ thể của dự thảo Pháp lệnh về nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ quyền hạn, xây dựng cảnh sát vũ trang; trang bị, chế độ chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát vũ trang..../.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục