Ukraine cảnh báo sẽ trưng thu khí đốt quá cảnh

Trong bối cảnh cuộc tranh cãi giữa Nga và Ukraine xung quanh vấn đề khí đốt vẫn chưa có hồi kết khi những thời khắc cuối cùng của năm 2008 sắp trôi qua, Ukraine đã làm tình hình thêm trầm trọng khi tuyên bố từ chối bảo đảm việc cung ứng khí đốt của Nga tới Tây Âu và cảnh báo về khả năng trưng thu khí đốt quá cảnh qua lãnh thổ nước này.

Trong bối cảnh cuộc tranh cãi giữa Nga và Ukraine xung quanh vấn đề khí đốt vẫn chưa có hồi kết khi những thời khắc cuối cùng của năm 2008 sắp trôi qua, Ukraine đã làm tình hình thêm trầm trọng khi tuyên bố từ chối bảo đảm việc cung ứng khí đốt của Nga tới Tây Âu và cảnh báo về khả năng trưng thu khí đốt quá cảnh qua lãnh thổ nước này.

Các hãng thông tấn Nga ITAR-TASS và RIA Novosti ngày 31/12 dẫn một nguồn đáng tin cậy tại Kiev cho biết Công ty dầu khí Naftogaz của
Ukraine đã gửi thư chính thức cho ban lãnh đạo Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, trong đó nêu rõ nếu hai đối tác này không sớm nhất trí được những điều kiện trung chuyển và cung ứng khí đốt cũng như không ký được các văn kiện tương ứng vào ngày 1/1/2009, thì công ty dầu khí Ukraine sẽ không có cơ sở hợp pháp để bảo đảm việc trung chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu qua lãnh thổ Ukraine.

Bức thư còn nhấn mạnh rằng nếu khí đốt từ Nga vẫn được đưa vào hệ thống vận chuyển khí đốt của
Ukraine, thì lượng khí đốt này sẽ được coi là "vô chủ", dẫn đến việc Ukraine có thể trưng thu theo luật pháp nước này.

Bên cạnh đó, Công ty Naftogaz cũng sẽ buộc phải cảnh báo về tình hình này với các nước Liên minh châu Âu (EU) - các khách hàng chủ chốt tiêu thụ khí đốt của Nga.

Động thái trên của Công ty Naftogaz được xem là hành động đáp trả tuyên bố của Gazprom về khả năng hạn chế việc cung ứng khí đốt cho
Ukraine từ ngày 1/1/2009 với lý do hai bên chưa ký được một hợp đồng mua bán khí đốt cho năm 2009.

Cuộc tranh cãi khí đốt giữa Nga và
Ukraine nếu không được dàn xếp thỏa đáng, sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới người tiêu dùng châu Âu. Có tới 80% khối lượng khí đốt từ Nga cung cấp cho châu Âu được vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine.

Hồi tháng 1/2006, một cuộc tranh cãi giữa Nga và
Ukraine về giá khí đốt đã dẫn đến việc làm gián đoạn nguồn cung nhiên liệu này cho nhiều nước châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục