Ukraine: Hoãn ngày rút lực lượng các phe phái khỏi vùng trung lập

Ngoại trưởng Ukraine cho biết trước khi áp dụng, "Công thức Stainmaier" cần phải được thảo luận chi tiết ở nội dung quy chế đặc biệt cho các vùng đòi độc lập do nhiều ý kiến phản đối tại Ukraine.
Ukraine: Hoãn ngày rút lực lượng các phe phái khỏi vùng trung lập ảnh 1Quân đội Ukraine. (Nguồn: international)

Ngày 7/10, quân đội Ukraine đã không thực hiện việc rút quân khỏi một số vùng chiến sự theo thỏa thuận mà Nhóm Tiếp xúc ba bên giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine (gồm Nga, Ukraine, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu - OSCE) đạt được hôm 2/10 như một điều kiện để nối lại đàm phán của nhóm "Bộ tứ Normandy" giải quyết xung đột tại Ukraine.

Tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Latvia, Ngoại trưởng Ukraine Vadym Pristaiko thông báo và giải thích rằng quyết định rút quân từ ngày 7/10 sẽ được đưa ra nếu trong 7 ngày (từ ngày 2/10) không xảy ra nổ súng tại vùng ranh giới, song vài ngày trước đây tiếng súng đã vang lên tại một số khu vực dân cư ở đây.

Do đó, phía Ukraine quyết định hoãn ngày rút quân như thỏa thuận.

Ông Pristaiko cho biết sẽ phải chờ thêm thời hạn 7 ngày "im tiếng súng" để nói đến một lệnh rút quân mới.

[Xung đột tại Ukraine: Các bên nhất trí về quy chế cho vùng đòi độc lập]

Theo thỏa thuận Minsk từ năm 2016, quân đội Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine sẽ phải bắt đầu rút quân tại vùng ranh giới để lập nên ba vùng an toàn ở đây - một trong những điều kiện bắt buộc để tiến hành hội nghị thượng đỉnh của nhóm Normandy.

Và hôm 2/10, Nhóm Tiếp xúc sau khi thống nhất về nội dung "Công thức Stainmaier" và nhất trí về thời gian bắt đầu rút quân vào ngày 7/10.

Theo đó, trong ngày 7/10, hai bên lẽ ra phải trao đổi thông tin về vị trí đóng quân và vị trí sẽ rút quân. Đến ngày 9/10 sẽ bắt đầu rút, trong vòng 30 ngày cách xa đường ranh giới ít nhất 1km, dỡ bỏ các công trình công sự và gỡ mìn các khu vực.

Ngoại trưởng Ukraine cho biết trước khi áp dụng, "Công thức Stainmaier" cần phải được thảo luận chi tiết ở nội dung quy chế đặc biệt cho các vùng đòi độc lập do nhiều ý kiến phản đối tại Ukraine.

Ông Pristaiko cũng tiết lộ Kiev còn xây dựng các kịch bản khác thay thế để thảo luận với lãnh đạo nhóm "Bộ tứ Normandy" khi có cơ hội.

Về phần mình, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết cho dù có ảnh hưởng đến các cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine, nhưng Điện Kremlin không phải là bên xung đột có tác động đến việc rút quân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục