Ukraine: Lực lượng đòi liên bang hóa chuyển sang phản công

Lực lượng đòi liên bang hóa cho biết các xe tăng đầu tiên của lực lượng này đã tiến vào ngoại ô thành phố Novoazovsk ở phía Nam tỉnh Donetsk.
Ukraine: Lực lượng đòi liên bang hóa chuyển sang phản công ảnh 1Xe tăng của quân ly khai tại Krosnodo, miền Đông Ukraine hôm 15/8 (Nguồn: AFP)

Bộ chỉ huy quân đội Cộng hòa Donetsk tự xưng ở Ukraine ngày 27/8 cho biết quân đội Cộng hòa Donetsk tự xưng đã tiếp tục tấn công gây tổn thất lớn cho lực lượng quân sự Ukraine.

Lực lượng đòi liên bang hóa cho biết các xe tăng đầu tiên của lực lượng này đã tiến vào ngoại ô thành phố Novoazovsk ở phía Nam tỉnh Donetsk và triển khai tại ngoại ô phía Tây thành phố, tăng cường tuyến phòng thủ thành phố trước khả năng quân đội (Ukraine) phản công. Theo thông tin từ các đơn vị trinh sát, trên đường từ Novoazovsk tới Donetsk, qua địa điểm Starobeshevo bị chiếm ngày 26/8, không có binh sỹ nào của chính quyền Kiev.

Novoazovsk là trung tâm khu vực phía Nam tỉnh Donetsk, nằm bên bờ biển Azov với số dân 11.000 người. Trước đó, lực lượng đòi liên bang hóa đã tuyên bố kiểm soát hoàn toàn khu vực biên giới tỉnh Donetsk giáp Nga.

Theo lực lượng đòi liên bang hóa, trong các cuộc giao tranh tại Starobeshevo ít nhất 129 binh sỹ quân đội và lực lượng cận vệ quốc gia Ukraine đã đầu hàng, 19 binh sỹ thiệt mạng, hơn 40 binh sỹ bị thương, nhiều vũ khí bị thu giữ hoặc phá hủy. Tại Avdeevka và Yasinovataya 25 binh sỹ lực lượng quân sự Ukraine bị thương vong, nhiều vũ khí bị phá hủy. Tại làng Kuteinikovo, 94 binh sỹ Ukraine đầu hàng. binh sỹ Ukraine trong khu vực bị bao vây tại Amvrosievka đang thiếu đạn dược và lương thực. Lực lượng đòi liên bang hóa cho biết cũng đã bắt 65 lính biên phòng Ukraine tại khu vực làng Ulyanovsk thuộc tỉnh Donetsk, 24 quân nhân gần điểm dân cư Petrovskoe.

Trước sự tấn công của quân đội Cộng hòa Donesk tự xưng, binh sỹ Ukraine buộc phải tập trung lực lượng giữ các khu vực chiếm được trước đây.

Bộ chỉ huy quân đội Cộng hòa Donesk tự xưng cho biết ban chỉ huy chiến dịch quân sự của Kiev cảnh báo sẽ phá hủy các công trình dân sinh quan trọng tại Mariupol nếu lực lượng đòi liên bang hóa tiến chiếm thành phố này để cáo buộc lực lượng đòi liên bang hóa pháo kích bừa bãi.

Trước thông tin lực lượng đòi liên bang hóa dường như đang chuyển sang thế tiến công, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cáo buộc Nga đang chỉ đạo cuộc phản công này. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki ngày 27/8 cáo buộc Nga gửi binh sỹ vào lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các binh sỹ Nga trong thời gian tuần tra đã vô tình vượt qua biên giới với Ukraine tại đoạn không có cột mốc và cũng không kháng cự lại quân đội Ukraine khi họ bị bắt giữ. Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh binh sỹ Ukraine thường xuyên vượt biên giới vào Nga có mang theo cả vũ khí, tuy nhiên Nga đều cho họ trở về Ukraine. Còn hãng thông tấn Nga Itar-tass thì bình luận Mỹ không thể xác nhận các thông tin trên biên giới Nga-Ukraine ở khu vực biển Azov, tuy nhiên lại hay đưa ra suy đoán nhằm cáo buộc Nga.

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết chiều 27/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm với Tổng thống Nga và Ukraine để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Đông Ukraine, đặc biệt đề cập tới nội dung cuộc gặp vừa qua giữa hai nhà lãnh đạo này ở Minsk.

Tại cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh rằng Nhóm tiếp xúc quốc tế về Ukraine (gồm Nga, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu và Ukraine) phải nỗ lực hơn nữa nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn cũng như đảm bảo có hiệu quả an ninh khu vực biên giới Nga/Ukraine, trong đó Moskva phải góp phần vào nỗ lực chung này. Thủ tướng Đức cũng kêu gọi làm sáng tỏ các thông tin về việc binh sỹ Nga đang hiện diện trong lãnh thổ Ukraine, kêu gọi Moskva cần có tránh nhiệm giúp giảm leo thang cũng như giám sát khu vực biên giới của nước này. Trong cuộc điện đàm, lãnh đạo Đức và Nga cũng hoan nghênh việc tiếp tục các cuộc đàm phán về vận chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine có sự tham gia của Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, tại cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroschenko, hai nhà lãnh đạo cùng cho rằng chỉ có thể đạt được một lệnh ngừng bắn có hiệu quả từ hai phía khi Nga góp phần làm dịu leo thang. Thủ tướng Merkel và Tổng thống Poroschenko cũng kêu gọi tiến tới một thỏa thuận về đảm bảo an ninh biên giới giữa Nga và Ukraine, kêu gọi chấm dứt mọi hình thức hỗ trợ quân sự cho lực lượng li khai ở khu vực biên giới hai nước.

Theo người phát ngôn Chính phủ Đức, Thủ tướng Merkel đánh giá cao cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên giữa hai Tổng thống Nga và Ukraine, coi đây là cách tốt nhất để giải quyết hàng loạt vấn đề còn bỏ ngỏ. Theo ông Seibert, cuộc gặp này là tín hiệu tích cực nhằm đi tới mục tiêu cuối cùng là thực thi lộ trình hòa bình của Tổng thống Poroschenko. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng hoan nghênh cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga và Ukraine. Ngoại trưởng Đức cho rằng chỉ có đối thoại trực tiếp trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau mới có thể tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, trong đó một lệnh ngừng bắn từ hai phía cũng như kiểm soát hiệu quả biên giới là chìa khóa giải quyết khủng hoảng hiện nay ở Đông Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục