UNASUR phản đối quân đội Anh tập trận tại Malvinas/Falklands

Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) phản đối kế hoạch của quân đội Anh tổ chức diễn tập tại quần đảo tranh chấp Malvinas/Falklands, coi đây là hành động gây hấn, thách thức cộng đồng quốc tế.
UNASUR phản đối quân đội Anh tập trận tại Malvinas/Falklands ảnh 1Quần đảo tranh chấp Malvinas/Falklands. (Nguồn: NASA)

Ngày 15/10, Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) đã phản đối kế hoạch của quân đội Anh tổ chức diễn tập tại quần đảo tranh chấp Malvinas mà phía Anh gọi là Falklands và coi đây là hành động gây hấn, thách thức cộng đồng quốc tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires , trong một thông cáo ra cùng ngày, UNASUR bày tỏ rằng thông báo của quân đội Anh về việc tiến hành tập trận từ ngày 19-28/10 tới đi ngược lại lập trường của các nước Nam Mỹ cũng như phớt lờ hơn 40 nghị quyết của Liên hợp quốc (Liên hợp quốc), kêu gọi Anh và Argentina đàm phán về tranh chấp lãnh thổ tại Malvinas/Falklands.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Susana Malcorra, đang có chuyến làm việc tại Italy, bày tỏ lấy làm “khó chịu” về kế hoạch diễn tập quân sự của Anh tại Malvinas, mà Argentina đang đòi chủ quyền.

Bà cho biết Buenos Aires đã triệu Đại sứ Anh Mark Kent đến để trao công hàm phản đối và cũng gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon một văn bản bày tỏ bất bình về hành động của London.

Bà Malcorra tuyên bố sẽ làm việc để tìm ra cơ hội đối thoại ngăn ngừa xung đột với Anh và thiết lập cơ chế thúc đẩy lòng tin giữa hai nước trong vấn đề này.

Trước đó, ngày 14/10, Bộ Quốc phòng Argentina cho biết quân đội Anh đã gửi thông báo về việc sẽ tiến hành tập trận tại Malvinas/Falklands , bao gồm cả việc phóng tên lửa Rapier.

Trong khi đó, Anh cho biết đây là những cuộc tập trận thường kỳ được tổ chức một năm 2 lần tại Malvinas/Falklands, trong đó có việc phóng tên lửa tầm ngắn để bảo vệ các căn cứ không quân thuộc quần đảo này.

Kể từ khi Tổng thống Argentina Mauricio Macri lên nắm quyền từ tháng 12 năm ngoái, Buenos Aires và London đều bày tỏ thiện chí khởi động một giai đoạn mới trong quan hệ song phương.

Ngày 14/9, nhân chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Anh Alan Duncan, Chính phủ Argentina thông báo đã đạt được thỏa thuận hợp tác với Anh trong khai thác dầu khí, ngư nghiệp, thương mại, giao thông và vận tải hàng hải cũng như hàng không tại Malvinas/Falklands.

Tuy nhiên, Buenos Aires cũng nhấn mạnh còn tồn tại khác biệt giữa hai nước và hai bên cần tìm được các cơ chế cho phép đạt được tiến bộ trong đối thoại.

Quần đảo Malvinas/Falklands nằm cách bờ biển Argentina khoảng 650km và cách Anh gần 8.000km. Tranh chấp chủ quyền chung quanh những quần đảo nói trên có từ những năm 1820 khi mà Argentina tiếp quản những quần đảo này từ Tây Ban Nha và triển khai lực lượng quân sự đến đó.

Tuy nhiên, đến năm 1883, Anh chiếm giữ những hòn đảo này và khẳng định chủ quyền tại đây. Đến năm 1982, quân đội Anh và Argentina từng có cuộc giao chiến đẫm máu liên quan đến chủ quyền quần đảo Malvinas/Falklands.

Mặc dù Argentina và Anh đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ năm 1990 nhưng những tranh chấp chủ quyền liên quan quần đảo trên vẫn còn tiếp diễn.

Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết tranh chấp, song Chính phủ Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền quần đảo và chỉ thảo luận với Argentina về vấn đề này khi người dân tại đây thể hiện nguyện vọng.

Năm 2013, Anh đã tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân trong đó đa số người dân sinh sống trên quần đảo bày tỏ vẫn muốn tiếp tục chịu sự quản lý của London - điều mà Buenos Aires không chấp nhận./.

Máy bơm nước, Malvinas/Falklands, Tranh chấp chủ quyền, Anh-Argentina, Buenos Aires, Quân đội Anh, Tập trận, Phóng tên lửa tầm ngắn, Căn cứ không quân

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục