UNCLOS: Cấu trúc an ninh phù hợp cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Năm quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp ở Biển Đông bắt buộc phải phối hợp lập trường của họ trong các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử và thể hiện một mặt trận thống nhất để bảo vệ UNCLOS.
UNCLOS: Cấu trúc an ninh phù hợp cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Tàu Trường Sa 571 – Lữ đoàn vận tải, đổ bộ 955 đưa cán bộ, chiến sỹ ra thăm quần đảo Trường Sa. (Ảnh: TTXVN)

Theo trang mạng lowyinstitute.org, trật tự an ninh hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm các hiệp ước quốc tế, các diễn đàn ngoại giao đa phương và ngày càng nhiều các sáng kiến an ninh “tiểu đa phương.”

Hai yếu tố đầu tiên đang chịu sức ép do hành vi quyết đoán của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng hải và đã dẫn đến sự hình thành của yếu tố sau cùng.

Hiệp ước chính làm nền tảng cho trật tự hàng hải toàn cầu dựa trên luật lệ là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, và với sự đồng thuận của hơn 100 quốc gia phát triển và đang phát triển, UNCLOS chứa đựng những điểm mơ hồ và không hoàn hảo. Nhưng nó vẫn là hiệp ước quan trọng nhất điều chỉnh các quy tắc, quyền và trách nhiệm hàng hải.

Ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, UNCLOS đã bị xói mòn bởi các hành động của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông. Vấn đề lớn nhất là các tuyên bố chủ quyền về quyền tài phán mở rộng của Trung Quốc được biểu thị bằng cái gọi là "Đường 9 đoạn.”

Năm 2013, Philippines đã thách thức các tuyên bố chủ quyền đó của Trung Quốc theo thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS và đã giành chiến thắng.

Tháng 7/2016, Tòa trọng tài thường trực của Liên hợp quốc ở La Haye đã ra phán quyết rằng "Đường 9 đoạn" không phù hợp với UNCLOS và hành động của Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của quốc gia này.

Trung Quốc không chỉ từ chối tham gia quá trình tố tụng, mà còn bác bỏ phán quyết của tòa và từ đó đến nay vẫn tiếp tục các hoạt động phi pháp trong các EEZ của các quốc gia Đông Nam Á.

Mặc dù Mỹ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các hoạt động trái pháp luật đó, nhưng do Washington chưa phê chuẩn UNCLOS nên Trung Quốc đã cáo buộc Washington là đạo đức giả.

Không may là dường như có rất ít triển vọng Mỹ sẽ sớm phê chuẩn UNCLOS. Tương tự, cũng khó có khả năng việc cộng đồng quốc tế sẽ nhóm họp để thảo luận việc sửa đổi, hoàn thiện và cải tiến UNCLOS nhằm khắc phục những điểm mơ hồ, thúc đẩy việc tuân thủ và tính đến những thách thức mới như biến đổi khí hậu.

Các quốc gia có biển ở Đông Nam Á đều tin tưởng mạnh mẽ vào tầm quan trọng của UNCLOS, vì về lý thuyết, luật pháp quốc tế là sân chơi bình đẳng giữa các quốc gia lớn và nhỏ.

ASEAN và Trung Quốc hiện đang đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Có rất nhiều điều mà cả 11 quốc gia nhất trí - ít nhất là về mặt khoa học.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã đưa một số điều khoản có vấn đề vào các văn bản dự thảo để thúc đẩy yêu sách "Đường 9 đoạn" của họ và phá hoại phán quyết của Tòa trọng tài ở La Haye.

[Tăng cường thực thi pháp luật hàng hải ở Đông Nam Á và Biển Đông]

Năm quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp ở Biển Đông bắt buộc phải phối hợp lập trường của họ trong các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử và thể hiện một mặt trận thống nhất để bảo vệ UNCLOS.

Việc Indonesia hồi tháng 12/2021 kêu gọi triệu tập một cuộc họp giữa 5 quốc gia cùng với Singapore để thảo luận tình hình Biển Đông là một bước đầu tiên đáng khích lệ, cho dù vẫn còn phải xem liệu điều đó có báo hiệu rằng Jakarta cuối cùng sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo hay không.

UNCLOS: Cấu trúc an ninh phù hợp cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 2Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn DK1 luôn sẵn sàng chiến đấu trên nhà giàn DK1. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bản thân ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh hàng hải trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt không mấy hiệu quả.

Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) đã không đưa ra được các biện pháp xây dựng lòng tin hiệu quả, chưa nói đến ngoại giao phòng ngừa và giải quyết xung đột.

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á là diễn đàn cấp cao, khó có thể đưa ra các thỏa thuận chi tiết. Và mặc dù Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) đã thúc đẩy việc sử dụng Bộ quy tắc về các cuộc chạm trán ngoài kế hoạch trên biển (CUES) trong các cuộc tập trận hải quân, nhưng thỏa thuận này là tự nguyện, không liên quan Lực lượng hải cảnh và đã có khoảng cách giữa thực tiễn và thực thi.

Do những hạn chế của ASEAN, các nước đã hình thành các sáng kiến an ninh quy mô nhỏ, linh hoạt, không chính thức và có mục tiêu tập trung hơn các diễn đàn đa phương lớn.

Các quốc gia Đông Nam Á đã thiết lập các sáng kiến an ninh hẹp, chỉ bao gồm một số ít quốc gia, để đối phó với vấn đề cướp biển ở eo biển Malacca và biển Sulu-Celebes. Thái Lan và Lào đã cùng với Trung Quốc tiến hành các cuộc tuần tra phối hợp trên sông Mekong để truy quét tội phạm hàng hải.

Ba sáng kiến này đã tương đối thành công, và ngoài tính nhạy cảm về chủ quyền, chúng không gây tranh cãi.

Gây tranh cãi nhiều nhất là diễn đàn Nhóm Bộ tứ (gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) và liên minh AUKUS (gồm Australia, Anh và Mỹ).

Cả hai liên minh nhỏ này được thành lập để đối phó với mối đe dọa từ một Trung Quốc đang trỗi dậy. Nhóm Bộ tứ vẫn chưa phải là một tổ chức "có thương hiệu" và AUKUS chủ yếu là một thỏa thuận về chia sẻ công nghệ. Cả hai có thể vẫn có thể phát triển thành một cái gì đó khác.

Các quốc gia khu vực khác có thể tham gia sân chơi này với quy chế đặc biệt, nhưng các quốc gia Đông Nam Á sẽ cảnh giác với việc chống lại Trung Quốc và hủy hoại khái niệm "vai trò trung tâm của ASEAN" nếu tích cực ủng hộ các diễn đàn an ninh này. Tuy nhiên, đồng thời, do lo ngại về Trung Quốc, họ sẽ không tích cực phản đối chúng.

Cơ hội để Bắc Kinh thay đổi hành vi và từ bỏ cái gọi là "quyền lịch sử" ở Biển Đông là rất mong manh. Các quốc gia Đông Nam Á không phải là không có ảnh hưởng và quyền tự quyết, đồng thời hiểu rõ cái giá phải trả đối với nền kinh tế của họ và quyền tự chủ chiến lược nếu họ công nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Các quốc gia như Anh và Australia có thể cung cấp dịch vụ cứu trợ nếu chúng được phối hợp thực hiện một cách tế nhị và đồng bộ. Việc cung cấp các thiết bị như radar, máy bay không người lái, máy bay giám sát và tàu tuần tra sẽ giúp các quốc gia trong khu vực nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải.

Điều này sẽ cho phép các bên tranh chấp ở Đông Nam Á chú ý đến việc Trung Quốc vi phạm UNCLOS. Việc chia sẻ các phương pháp tối ưu nhất với hải quân khu vực và đặc biệt là lực lượng bảo vệ bờ biển cũng sẽ có lợi.

Các trường đại học của Australia và Anh cũng có vị trí thuận lợi để tổ chức các khóa học và hội thảo cho các quan chức Đông Nam Á, sinh viên sau đại học và các học viên an ninh về tầm quan trọng, bản chất và sự phức tạp của UNCLOS – vừa nhằm nêu bật các quyền của các quốc gia trong khu vực, đồng thời giúp người dân Đông Nam Á hiểu đúng bản chất của những câu chuyện dối trá, xảo quyệt mà Trung Quốc dựng nên liên quan đến "các quyền lịch sử" của nước này ở Biển Đông và những diễn giải sai về Luật Biển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục