UNDP hỗ trợ nỗ lực bảo vệ rừng của Indonesia

UNDP vừa ký thỏa thuận đối tác và mở văn phòng bảo vệ rừng tại Indonesia, nhằm hỗ trợ cắt giảm khí thải từ phá rừng, suy thoái rừng.
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa ký thỏa thuận đối tác với Indonesia và mở Văn phòng bảo vệ rừng đầu tiên tại nước này, nhằm hỗ trợ Chương trình cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ phá rừng và suy thoái rừng (REDD) của Indonesia.

Trong một cuộc họp bên lề kỳ họp thứ 66 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) với sự tham dự của trên 200 đại diện chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, bà Helen Clark, người đứng đầu UNDP, đã đánh giá cao nỗ lực của Indonesia đưa vào áp dụng các kỹ thuật quản lý rừng để tạo các cơ hội kinh tế, cải thiện đời sống người dân.

Bà Helen Clark cũng cho rằng với quy hoạch tốt và các ưu đãi phù hợp, việc tài trợ cho REDD có thể giúp Indonesia đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 7%, đảm bảo an ninh lương thực và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên rừng của nước này.

Bà Helen cho biết những tiến bộ Indonesia đạt được trong bảo vệ rừng kể từ khi ký thỏa thuận với UNDP hồi tháng 5/2010 cho đến nay ấn tượng hơn những gì nước này đạt được trong 10 năm trước đó.

Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm ra các giải pháp cắt giảm phát thải khí cácbon trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bởi lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính do phá rừng, suy thoái rừng và cháy rừng chiếm tới 20% lượng khí thải cácbon toàn cầu, đứng thứ hai chỉ sau lĩnh vực năng lượng và nhiều hơn lĩnh vực giao thông vận tải.

Mới đây, bộ phận đặc nhiệm về chương trình REED thuộc Văn phòng Tổng thống Indonesia đã phối hợp với tỉnh Kalimantan thực hiện một dự án thí điểm về cắt giảm phát thải khí cácbon tại đây.

Dự án này trị giá 1 tỷ USD, do Chính phủ Na Uy tài trợ trong vòng hai năm, nhằm tạo ra các khoản đầu tư mới trong các lĩnh vực như năng lượng thay thế, dẫn đến các cơ hội kinh tế mới và góp phần xóa đói giảm nghèo.

Indonesia hiện là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ ba thế giới, trong đó gần 80% lượng khí thải này bắt nguồn từ nạn phá rừng, suy thoái rừng và cháy rừng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục