UNDP hỗ trợ Việt Nam hơn 1.500 bộ sinh phẩm xét nghiệm RT PCR

Những bộ sinh phẩm xét nghiệm này được sản xuất tại Việt Nam theo tiêu chuẩn kỹ thuật của WHO và được mua sắm với nguồn kinh phí do Quỹ JSB của Nhật Bản và nhóm sản xuất Ghen CoVy tài trợ.
Thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên cho công nhân Công ty TNHH Kim May Organ Việt Nam. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên cho công nhân Công ty TNHH Kim May Organ Việt Nam. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chiều 31/5, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã bàn giao hơn 1.500 bộ sinh phẩm xét nghiệm Real-time PCR (RT PCR) cho Bộ Y tế Việt Nam để hỗ trợ việc xét nghiệm khẩn cấp tại các điểm bùng phát dịch trong cả nước.

Những bộ sinh phẩm xét nghiệm này được sản xuất tại Việt Nam theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và được mua sắm với nguồn kinh phí do Quỹ JSB của Nhật Bản và nhóm sản xuất Ghen CoVy tài trợ.

Đầu năm nay, 10 máy xét nghiệm sinh học phân tử RT PCR đã được chuyển giao và lắp đặt tại Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh ở 10 địa phương ở Việt Nam. Các thiết bị thử nghiệm đã được được UNDP hỗ trợ mua qua hệ thống mua sắm trang thiết bị y tế toàn cầu với sự tài trợ của Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét (GFATM).

Tại Lễ bàn giao, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính của Bộ Y tế, ghi nhận sự hỗ trợ kịp thời của UNDP đối với Việt Nam trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh.

Theo bà Phan Lê Thu Hằng, Việt Nam đang trải qua diễn biến dịch phức tạp với số ca mắc trong cộng đồng được ghi nhận tăng.

Đến nay, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên, tại một số địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát, việc UNDP hỗ trợ bộ sinh phẩm xét nghiệm RT PCR cho Bộ Y tế là rất thiết thực, góp phần tăng cường kiểm soát dịch COVID-19 tại Việt Nam.

[Thành phố Hồ Chí Minh cần có phương án cho tình hình xấu nhất]

Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu "kép" vừa ngăn chặn đại dịch COVID-19, vừa phục hồi nền kinh tế.

Nhắc lại cam kết của UNDP trong việc hỗ trợ nỗ lực này trên cơ sở Bản ghi nhớ đã được UNDP và Bộ Y tế ký kết nhằm hỗ trợ ngành y tế Việt Nam sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao năng lực cho các hoạt động mua sắm tập trung, bà Caitlin Wiesen nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát tốt đợt bùng phát COVID-19 ở các khu vực khác nhau.

Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc ngăn chặn đại dịch bằng việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng và xã hội vào cuộc đã được thế giới công nhận là cách làm hay.

"Tôi rất xúc động khi thấy số lượng bác sĩ, y tá từ khắp mọi miền của đất nước lên đường chi viện cho hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Với kinh phí do Quỹ JSB của Nhật Bản và nhóm sản xuất Ghen CoVy tài trợ, UNDP cung cấp các bộ sinh phẩm xét nghiệm này nhằm hỗ trợ nỗ lực xét nghiệm khẩn cấp tại các điểm dịch bùng phát,” bà Caitlin Wiesen cho biết.

Ghen CoVy là một chiến dịch truyền thông y tế phòng, chống SARS-CoV-2, góp phần nâng cao nhận thức của người dân với 90 triệu lượt xem (chỉ trên một trong các tài khoản chính thức) video và 11 tỷ lượt tương tác của mọi người cho thử thách #vudieuruatay #handwashingmove.

UNDP cũng đã phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam và nhóm sản xuất Ghen CoVy làm ra các video âm nhạc, bản hướng dẫn vũ điệu rửa tay bằng nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số và ngôn ngữ ký hiệu để người dân vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được với những thông điệp phòng, chống COVID-19 bằng tiếng của dân tộc mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục