UNEP: Cùng có trách nhiệm vì một hành tinh bền vững

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc ngày 5/6 đã đưa ra thông điệp "Tiêu dùng có trách nhiệm vì 7 tỷ giấc mơ trong một hành tinh," kêu gọi con người hãy bảo vệ Trái đất ngay từ bây giờ.
UNEP: Cùng có trách nhiệm vì một hành tinh bền vững ảnh 1Trẻ em Ấn Độ tuần hành kêu gọi người dân nâng cao nhận thức về tình trạng ô nhiễm môi trường ở New Delhi ngày 4/6. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ngày 5/6 đã đưa ra thông điệp "Tiêu dùng có trách nhiệm vì 7 tỷ giấc mơ trong một hành tinh," kêu gọi con người hãy bảo vệ Trái đất ngay từ bây giờ bằng những hành động thiết thực trong tiêu dùng vì đó là cách tốt nhất đảm bảo cho tương lai của nhân loại.

Ngày 5/6 hàng năm được cơ quan môi trường Liên hợp quốc chọn là Ngày Môi trường Thế giới để nâng cao nhận thức về những mối liên hệ giữa con người với môi trường sống. Tính trung bình cứ bảy người trên Trái đất thì có một người phải di cư và thực tế này đang gây tác động đến cuộc sống của hàng tỷ người.

Trong suốt chiều dài lịch sử, con người di cư để tìm kiếm cơ hội và một cuộc sống tốt hơn. Có người đi tìm hạnh phúc, có người buộc phải di chuyển để thoát khỏi khủng bố, xung đột hoặc thiên tai. Nhưng hơn bao giờ hết, nhiều người di cư hiện nay là do các vấn đề liên quan đến tài nguyên cạn kiệt khiến họ mất kế sinh nhai. Đó chính là hệ quả của suy thoái môi trường, tạo ra mối quan hệ phức tạp giữa di cư và môi trường.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) thừa nhận biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và cường độ của các thảm họa thiên nhiên, làm cho hàng chục triệu người dễ bị tổn thương và buộc phải di dời.

Trung tâm kiểm soát di cư nội bộ (IDMC) trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, ước tính trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2013, trung bình khoảng 27 triệu người mỗi năm buộc phải di dời do thiên tai. Thoái hóa đất là một khía cạnh khác. Ở khu vực Mỹ Latinh, các vùng đất khô cằn ở Mexico buộc 600.000 đến 700.000 người phải thường xuyên di chuyển mỗi năm.

Theo UNCCD (Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc), đến năm 2025 có tới 2,4 tỷ người trên toàn thế giới, chiếm từ 15-20% dân số toàn cầu dự kiến ở thời điểm đó, sẽ sống ở những khu vực có hạn hán khốc liệt. Khoảng 50 triệu người sẽ sống ở các khu vực có nguy cơ bị sa mạc hóa.

IPCC dự báo riêng ở châu Phi đến năm 2020 có từ 75 đến 250 triệu người sẽ phải chịu tình trạng gia tăng căng thẳng về nước do biến đổi khí hậu. Còn đối với những người dân sống ở vùng duyên hải, chiếm khoảng 10% dân số thế giới, sẽ bị đối mặt với nguy cơ nước biển dâng. 50 thành phố lớn nhất trên thế giới hiện đang nằm gần bờ biển cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo đánh giá của UNEP, hệ sinh thái trên Trái đất đang dần tiến tới mức suy thoái hoặc bị biến đổi vì tình trạng gia tăng dân số và phát triển kinh tế. Đến năm 2050, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay và cộng với đó là sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm tới ngưỡng 9,6 tỷ người, thì Trái đất bị quá tải và sẽ phải cần tới 3 Trái đất mới đáp ứng được thói quen sinh hoạt và mức tiêu dùng như hiện tại.

Vì một hành tinh bền vững, mọi người cần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích và vận động tăng cường các hoạt động tiêu dùng bền vững, tổ chức và tham gia vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, giải quyết những vấn đề môi trường còn tồn đọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục