UNESCAP thảo luận đối phó khủng hoảng kinh tế

Từ ngày 23 đến 29/4, Khóa 65 Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình dương (UNESCAP) đã họp tại trụ sở ở Bangkok (Thái Lan), với sự tham gia của đại diện 64 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên, cùng nhiều tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực.

Từ ngày 23 đến 29/4, Khóa 65 Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình dương (UNESCAP) đã họp tại trụ sở ở Bangkok (Thái Lan), với sự tham gia của đại diện 64 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên, cùng nhiều tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực.
 
Trọng tâm của Khóa họp này là đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu hiện nay đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thảo luận chuyên đề an ninh lương thực. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng dẫn đầu, đã tham dự Khóa họp.
 
Khóa họp nhất trí cho rằng mặc dù kinh tế vĩ mô của các nước châu Á - Thái Bình Dương ổn định hơn nhờ những cải cách sau khủng hoảng tài chính 1997-1998, nhưng đang chịu nhiều tác động xấu của khủng hoảng hiện nay. Trong năm 2008, các nước phát triển trong khu vực bị tăng trưởng âm, tốc độ tăng trưởng ở các nước đang phát triển giảm xuống còn 5,9% so với mức 8,2% của năm 2007.
 
UNESCAP nhận định hầu hết các nước trong khu vực đã sớm có các biện pháp để đối phó với khủng hoảng, đồng thời kiến nghị các nước ưu tiên ổn định vĩ mô, đẩy mạnh cải cách cơ cấu cân bằng hơn, tăng đầu tư cho nông nghiệp, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về an ninh lương thực.
 
Nhìn chung, các nước ủng hộ việc chống chủ nghĩa bảo hộ, tăng cường các hình thức hợp tác khu vực về thương mại, đầu tư, tài chính - tiền tệ, thúc đẩy vòng đàm phán Doha.
 
Phát biểu tại phiên thảo luận chính sách, Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện để các nước đang phát triển có thể tiếp cận thị trường, nguồn vốn đầu tư và viện trợ ODA, đẩy mạnh liên kết kinh tế, thương mại khu vực, trong đó có hợp tác tiểu vùng sông Mekong.
 
Trưởng đoàn Việt Nam cũng nêu bật những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và những kết quả tích cực ban đầu trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy các dòng đầu tư trong năm 2008, đồng thời giới thiệu 5 nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh kinh tế, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2009.
 
Trưởng đoàn Việt Nam cũng hoan nghênh vai trò và những cải tổ của UNESCAP nhằm tăng cường chức năng tư vấn chính sách, thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong khu vực để đối phó với những thách thức hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục