UNESCO: Bảo vệ nhà báo trong nghiệp vụ báo chí

UNESCO kêu gọi các nước bảo vệ các nhà báo trong các hoạt động nghiệp vụ báo chí và trừng phạt các hành động bạo lực chống nhà báo.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 16/3, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã lên tiếng khẩn cấp kêu gọi các nước bảo vệ các nhà báo trong các hoạt động nghiệp vụ báo chí và trừng phạt các hành động bạo lực chống nhà báo, thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực thông tin báo chí và truyền thông.

Trong báo cáo về an toàn của các nhà báo và nguy cơ các hành động xâm hại nhà báo không bị trừng phạt, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova nêu bật nhu cầu bức xúc về các hành động bạo lực nhằm vào nhà báo đang tác nghiệp mà không bị trừng phạt khiến tội phạm này có xu hướng gia tăng. Trong 245 vụ nhà báo bị giết hại mà bà đã chính thức lên án và yêu cầu những nước có liên quan xử lý từ năm 2006-2009, chỉ có 101 vụ được các nước phản hồi và chỉ có 9 vụ tội phạm trong số này được đưa ra trước công lý.

Chỉ trong hai năm 2010-2011, số nhà báo trên thế giới bị giết hại trong khi đang tác nghiệp đã lên tới 127 vụ. Các số liệu thống kê cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại trên toàn cầu về các hành động bạo lực đối với các nhà báo. Hầu hết các vụ này xảy ra khi các nhà báo thông tin về các cuộc xung đột địa phương, nạn tham nhũng và các hoạt động phi pháp khác.

Hội đồng các chương trình quốc tế của UNESCO về an toàn của các nhà báo và nguy cơ tội phạm này không bị trừng phạt (IPDC) lần đầu tiên thúc đẩy sáng kiến trong toàn hệ thống Liên hợp quốc nhằm huy động tất cả các cơ quan của Liên hợp quốc góp sức cùng ngăn chặn bạo lực nhằm vào các nhà báo trong các hoạt động nghiệp vụ thông tin truyền thông.

Báo cáo của Tổng Giám đốc UNESCO về an toàn của các nhà báo đã nhận được hợp tác của các cơ quan khác của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội chuyên môn về báo chí và các phương tiện thông tin truyền thông quốc tế. IPDC cũng xem xét vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là các chỉ số nhạy cảm mới về giới trong thông tin truyền thông đại chúng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực này.

IPDC là diễn đàn đa phương duy nhất trong hệ thống Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy phát triển thông tin truyền thông ở các nước đang phát triển. Trong 3 thập kỷ qua, IPDC đã dành hơn 200 triệu USD cho hơn 1.500 dự án phát triển thông tin truyền thông đại chúng ở hơn 140 nước trên toàn cầu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục