UNESCO kêu gọi đầu tư giáo dục để vượt khủng hoảng

Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định để vượt qua khủng hoảng, các nước cần đầu tư thông qua giáo dục, phát triển văn hóa hiệu quả.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, tại Hội nghị cấp cao "Giáo dục để đổi mới thế giới" (WISE) tại thủ đô Doha của Qatar, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), bà Irina Bokova, khẳng định để vượt qua khủng hoảng kinh tế, các chính phủ cần đầu tư thông qua giáo dục và phát triển văn hóa hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) vào năm 2015 và nâng cao các kết quả này trong tương lai.

Bà Bokova nhấn mạnh các nguồn lực mới cần được tìm kiếm thông qua các cơ chế đổi mới để bổ sung cho các nguồn tài trợ truyền thống cho giáo dục. Cái giá phải trả cho việc không cung cấp đầy đủ các nguồn lực tài chính cho giáo dục sẽ rất cao đối với các thế hệ trong tương lai vì quyết định đối với giáo dục ngày nay sẽ đặt nền tảng cho thế kỷ tới.

Theo Báo cáo giám sát chương trình "Giáo dục cho tất cả" năm 2010, dư chấn của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây đã đẩy hàng triệu trẻ em ở các nước nghèo khỏi trường học. 72 triệu trẻ em trên thế giới hiện không được đi học cùng với tỷ lệ nghèo khổ tăng lên và sức ép ngân sách đang xói mòn các thành quả giáo dục của cả thập kỷ qua.

Ở các nước phụ thuộc vào tài trợ nước ngoài như các nước khu vực tiểu sa mạc Sahara châu Phi, viện trợ cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục cơ bản, đã bị cắt giảm 4%. Mặc dù các nhà tài trợ đã nỗ lực tăng ngân sách cho các chương trình xã hội để đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng vào cuối năm 2010, viện trợ giáo dục toàn cầu chỉ đạt 3 tỷ USD, thiếu tới 16 tỷ USD một năm cho giáo dục cơ bản.

Bà Bokova lưu ý rằng UNESCO đối phó với các thách thức này thông qua tư vấn chính sách dựa trên những nghiên cứu và những bằng chứng cụ thể cùng với chia sẻ tri thức. UNESCO đã khai trương cổng thông tin điện tử trực tuyến "Khủng hoảng kinh tế và giáo dục" để cung cấp các thông tin mới nhất về tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với với giáo dục cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu, đồng thời giúp các chính phủ và cộng đồng quốc tế thúc đẩy đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư cho giáo dục để vượt qua khủng hoảng kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục