UNESCO lần hai mở khóa học điện ảnh phi lợi nhuận cho người Việt

Trong lần hai tổ chức, khóa học On The Reel sẽ tiếp tục mang đến các buổi học thiết thực về nghiệp vụ, hữu ích cho người làm phim tại Việt Nam muốn đưa tác phẩm của mình ra thế giới.
UNESCO lần hai mở khóa học điện ảnh phi lợi nhuận cho người Việt ảnh 1Chương trình On The Reel Film Lab. (Ảnh: Ban tổ chức)

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vừa chính thức mở khóa học On The Reel Film Lab 2022, tiếp tục mang đến cơ hội học điện ảnh trực tuyến, miễn phí cho người làm phim tại Việt Nam từ ngày 21-23/3. Đây cũng là năm cuối cùng chương trình kiêm khóa học này được tổ chức.

On The Reel Film Lab là một hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án E-MOTIONS: Thúc đẩy kết nối và thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim. Dự án được khởi động năm 2020, do UNESCO Việt Nam và các đối tác gồm Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD (Hội Điện ảnh Việt Nam), Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) tại Việt Nam, HK Film, WallSound, Hanoi Grapevine và Colab Vietnam phối hợp thực hiện.

Năm nay, ba buổi học diễn ra trong ba ngày sẽ lần lượt xoay quanh các chủ đề: Quảng bá và nộp tác phẩm tại các liên hoan phim; Phim ngắn và trại sáng tác Short Form Station tại Liên hoan phim Berlin; Phim ngắn tại Internationale Kurzfilmtage Winterthur, Liên hoan phim quốc Tế Fribourg và Liên hoan phim quốc tế Locarno.

Các buổi trao đổi sẽ sử dụng song song tiếng Anh và tiếng Việt, diễn ra trên nền tảng Zoom Webinar cho người đã đăng ký.

[UNESCO mở khóa học phi lợi nhuận dành cho các nhà làm phim trẻ]

Cụ thể, buổi học đầu tiên về quảng bá và nộp phim tại các liên hoan quốc tế sẽ có sự dẫn dắt của đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch người Mỹ - bà Clarissa Jacobson. Được biết, phim ngắn nổi bật nhất của bà - “Lunch ladies” - đã cập bến hơn 100 liên hoan phim quốc tế, thắng hơn 43 giải thưởng và xuất hiện trên nhiều nền tảng trực tuyến như Tubi, Shot TV và Amazon Prime Video.

Buổi học thứ hai xoay quanh phim ngắn và trại sáng tác thuộc Liên hoan phim quốc tế Berlin sẽ do bà Sarah Schlüssel dẫn dắt. Theo thông tin từ ban tổ chức, bà không chỉ là một nhà quản lý văn hóa về phim và liên hoan tại Đức mà còn có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong hội đồng tuyển chọn phim tại Berlinale, hạng mục phim ngắn và điều phối trại sáng tác Short Form Station của Liên hoan phim Berlin...

Buổi học thứ ba về phim ngắn và đặc điểm cần biết về một số liên hoan phim quốc tế sẽ có sự dẫn dắt của giám tuyển Delphine Jeanneret. Không chỉ có kinh nghiệm giám tuyển phim tại Locarno, bà còn là phó trưởng khoa điện ảnh tại HEAD - Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Geneva, Thuỵ Sĩ và là người sáng lập/đồng sáng lập và quản lý cho nhiều chương trình, hoạt động và liên hoan phim trẻ…

UNESCO lần hai mở khóa học điện ảnh phi lợi nhuận cho người Việt ảnh 2Hình ảnh từ buổi bế giảng On The Reel Film Lab lần 1 năm 2021 - khóa học đã diễn ra hoàn toàn trực tuyến vì dịch bệnh. (Ảnh: Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD)

Trong lần đầu tổ chức, khóa học On The Reel 2021 đã nhận được hơn 200 hồ sơ phim ngắn và chọn ra khoảng sáu dự án, mỗi dự án gồm hai người để tiếp tục đưa vào các khóa đào tạo, học hỏi và thực hành cùng các nhà làm phim có chuyên môn cao.

Qua thời gian đào tạo hai tuần, chương trình đã chọn ra hai dự án xuất sắc nhất để tài trợ 2.000 USD nhằm giúp các nhà làm phim hoàn thiện tác phẩm của mình. Bốn dự án còn lại được hỗ trợ các gói chi phí hậu kỳ, thiết bị...

[Ba đạo diễn trẻ giành giải thưởng trong khóa học làm phim của UNESCO]

Với việc xây dựng phim ngắn và tham gia các liên hoan phim quốc tế, người làm phim, đặc biệt là người trẻ sẽ được tạo cơ hội để tìm hiểu cách thức hoạt động của ngành công nghiệp điện ảnh. Từ đó, các tài năng điện ảnh có thể khẳng định tên tuổi và khai phá các nguồn lực, mạng lưới tiềm năng giúp phát triển chính mình một cách tốt nhất.

Chính vì vậy, khóa học On The Reel Film Lab được cho là rất cần thiết bởi qua đó, người làm phim được nâng cao kỹ năng, tính chuyên nghiệp, hiểu về quy trình sản xuất thông qua các buổi học, thảo luận, tư vấn từ mạng lưới người làm phim giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước.

Chương trình càng thêm phần ý nghĩa bởi phim ngắn Việt Nam vốn chịu sự lấn át của điện ảnh phương Tây về số lượng, uy tín và tiêu chuẩn, cũng như thường phải đối mặt với nhiều khó khăn trong hành trình vươn mình ra thế giới. Bên cạnh đó, các khóa học và mạng lưới hỗ trợ trong nước được đánh giá là chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu; đại dịch COVID-19 cũng gây ảnh hưởng nhiều đến quá trình sản xuất và phát hành phim truyền thống, đòi hỏi sự thay đổi để phù hợp và thích nghi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục