UNESCO và CTBTO hợp tác cảnh báo sóng thần

UNESCO và Ủy ban Tổ chức Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) đã ký hiệp định tăng cường hợp tác cảnh báo sóng thần.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Ủy ban Tổ chức Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) đã ký hiệp định tăng cường hợp tác cảnh báo sóng thần, nghiên cứu quá trình diễn ra trên các đại dương và thúc đẩy phát triển bền vững.

Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, cho biết hiệp định này sẽ phối hợp các năng lực công nghệ sẵn có của UNESCO và CTBTO, đặc biệt trong việc đào tạo và nâng cao năng lực phát triển bền vững của các nước đang phát triển.

Ngoài việc nâng cao khả năng cảnh báo sớm các thảm họa thiên nhiên như sóng thần, những dữ kiện được mạng lưới các trạm giám sát của CTBTO trên toàn cầu thu thập có thể giúp tăng cường nghiên cứu quá trình diễn ra trong lòng đại dương, cuộc sống trong đại dương, góp phần thúc đẩy phát triển biển và đại dương bền vững.

Thư ký chấp hành CTBTO Tibor Tóth khẳng định hợp tác giữa CTBTO và UNESCO có tầm quan trọng đặc biệt. Chế độ giám sát của CTBTO với 337 phương tiện được bố trí khắp hành tinh và sử dụng các phương pháp khoa học công nghệ mũi nhọn để giám sát các vụ nổ hạt nhân ở bất cứ địa điểm nào trên khắp hành tinh nên những dữ kiện thu được sẽ có ứng dụng cao trong khoa học và dân sự. CTBTO sẽ tổ chức các cuộc hội thảo và chương trình đào tạo về những ứng dụng này trên khắp thế giới.

Sau thảm họa sóng thần ngày 26/12/2004 ở Ấn Độ dương, Ủy ban liên chính phủ về hải dương học của UNESCO và CTBTO đã hợp tác nghiên cứu khả năng sử dụng các dữ kiện được mạng lưới giám sát hành tinh của CTBTO thu thập để cảnh báo sớm sóng thần.

CTBTO đã gửi những dữ liệu này tới các Trung tâm cảnh báo sóng thần của UNESCO ở Australia, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan và Mỹ, tăng khả năng cảnh báo sớm và chính xác sóng thần ở bất cứ nơi nào trên Trái Đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục