UNFPA lên tiếng về cáo buộc Phạm Anh Khoa có hành vi quấy rối tình dục

Trước cáo buộc ca sỹ Phạm Anh Khoa có hành vi quấy rối tình dục, UNFPA tuyên bố chấm dứt hợp tác với Phạm Anh Khoa trong tư cách là Đại sứ hình ảnh về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái.
UNFPA lên tiếng về cáo buộc Phạm Anh Khoa có hành vi quấy rối tình dục ảnh 1Ca sỹ Phạm Anh Khoa được lựa chọn làm kỷ niệm 40 năm hợp tác giữa UNFPA và Chính phủ Việt Nam. (Nguồn: UNFPA)

Trước các thông tin cáo buộc ca sỹ Phạm Anh Khoa liên quan tới các hành vi quấy rối tình dục trong thời gian qua, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tuyên bố chấm dứt hợp tác với ca sỹ Phạm Anh Khoa trong tư cách là Đại sứ hình ảnh về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Ca sỹ Phạm Anh Khoa được UNFPA tại Việt Nam mời làm Đại sứ hình ảnh cho các chiến dịch phòng chống bạo lực giới vào các năm 2013, 2014 và sự kiện kỷ niệm 40 năm hợp tác giữa UNFPA và Chính phủ Việt Nam vào tháng 7/2017.

[Quấy rối tình dục: Tán tỉnh lời lẽ thô tục là hình thức phổ biến]

Tuy nhiên, trong thời gian qua các cô gái Phạm Lịch, Nga My và M.P đã chia sẻ các câu chuyện bị Phạm Anh Khoa quấy rối tình dục của mình trên mạng xã hội.

Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, UNFPA và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam hoan nghênh tinh thần mạnh mẽ và dũng cảm của những phụ nữ dám vượt qua sợ hãi và định kiến để cất lên tiếng nói. Chúng ta cần phải khuyến khích nhiều phụ nữ Việt Nam trở thành những người "phá vỡ im lặng". Câu chuyện của các nạn nhân bị bạo lực và quấy rối tình dục sẽ giúp nâng cao nhận thức về vấn đề này và giúp cả xã hội chung tay để chấm dứt bạo lực.

Các trường hợp liên quan đến những người nổi tiếng như Phạm Anh Khoa có thể tạo ra những tiêu điểm thảo luận nóng hổi trong thời gian qua, nhưng còn rất nhiều câu chuyện vẫn còn nằm trong bóng tối, chứ không chỉ trong ngành giải trí. Chính phủ và cả xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tất cả các hình thức bạo lực giới.

Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cần phải là ưu tiên hàng đầu. Đây cũng chính là mục tiêu của Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững năm 2030 nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu, UNFPA hợp tác với các Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự để giải quyết vấn đề bạo lực giới và các hành vi có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam kêu gọi “Cùng với nhau, chúng ta hãy xây dựng một đất nước Việt Nam an toàn hơn và bình đẳng hơn cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Cùng với nhau, chúng ta hãy xây dựng một tương lai không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.”

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề báo động trên toàn thế giới. Đây là hành động vi phạm quyền con người nghiêm trọng và được coi là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới.

Tính trung bình trên toàn cầu, cứ ba phụ nữ thì có một người bị bạo lực thể chất, tình dục hay tinh thần, mà người gây bạo lực thường là chồng hay bạn trai.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực gia đình năm 2010 do Liên Hợp Quốc hỗ trợ thì 58% phụ nữ được điều tra nói rằng họ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực từ người thân tại một số thời điểm trong cuộc sống. Kể từ thời gian đó, nhiều hoạt động tuyên truyền đã được thực hiện để nâng cao nhận thức về vấn đề này và tạo ra những thay đổi về mặt pháp lý, chính sách và hành vi nhằm chấm dứt các hình thức bạo lực giới. Nhiều tiến bộ cũng đã đạt được, nhưng bạo lực với phụ nữ vẫn có tồn tại ở tất cả các thành phần trong xã hội./.

Trong nhiều năm qua, phong trào #MeToo (Tôi cũng vậy) đã và đang được lan tỏa mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới. Ngày càng có nhiều phụ nữ làm các công việc khác nhau chia sẻ các câu chuyện và trải nghiệm của mình về vấn đề quấy rối và lạm dụng tình dục. Hàng triệu phụ nữ từ các quốc gia và các nền văn hóa khác nhau đã chia sẻ câu chuyện của họ trên mạng xã hội với từ khóa #MeToo.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục