Ứng cứu tàu cá và ngư dân gặp nạn ở khu vực gần đảo Phú Quý

Sáng 5/11, tại vị trí cách Nam đảo Phú Quý khoảng 45 hải lý, tàu cá số hiệu BĐ 99939 TS do ông Phạm Hà làm thuyền trưởng đã bị phá nước, trên tàu có 8 ngư dân.
Ứng cứu tàu cá và ngư dân gặp nạn ở khu vực gần đảo Phú Quý ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, một tàu cá đã gặp nạn gần đảo Phú Quý (Bình Thuận).

Cụ thể, vào sáng 5/11, tại vị trí cách Nam đảo Phú Quý khoảng 45 hải lý, tàu cá số hiệu BĐ 99939 TS do ông Phạm Hà (trú tại Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng đã bị phá nước, trên tàu có 8 ngư dân.

Ngay sau khi nhận thông tin, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Phú Quý, Bình Thuận đã liên lạc phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 điều động tàu CSB 9001 đang trực tại đảo Phú Quý lên đường làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Tàu CSB 9001 xuất phát lúc 7 giờ ngày 5/11 và dự kiến đến 12 giờ cùng ngày tiếp cận cứu hộ tàu bị nạn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, đến trưa 5/11, tổng số tàu thuyền Bình Thuận đang hoạt động trên biển là 1.187 tàu, thuyền với 7.108 lao động; trong đó các tàu, thuyền đang đánh bắt xa bờ là 139 tàu, thuyền; số tàu thuyền đang neo đậu tại các bến là 6.345 tàu, thuyền...

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đến trưa 5/11 ở huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Tại Phan Rí (Bình Thuận) có gió giật mạnh cấp 6. Đảo Phú Quý đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và hoạt động trên biển.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các huyện quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, kiểm đếm và thông tin liên lạc với các chủ tàu, thuyền; hướng dẫn, xử lý kịp thời các tình huống, sự cố xảy ra.

Các cơ quan, đơn vị thường trực tìm kiếm, cứu nạn của tỉnh và các địa phương rà soát, chuẩn bị các phương tiện, lực lượng cứu hộ, trang thiết bị, sẵn sàng tham gia ứng phó, cứu nạn khi có yêu cầu; rà soát phương châm “4 tại chỗ,” có phương án sơ tán di dời dân khỏi vùng nguy hiểm ven biển, vùng trũng, ngập lụt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục