Ứng dụng ghép cây vải thiều cho quả sớm

Để duy trì và phát triển cây đặc sản vải thiều, Công ty Giống cây trồng (GCT) Hải Dương đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ ghép chồi cho cây vải ra quả sớm đạt hiệu quả kinh tế cao.

Để duy trì và phát triển cây đặc sản vải thiều, Công ty Giống cây trồng (GCT) Hải Dương đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ ghép chồi cho cây vải ra quả sớm đạt hiệu quả kinh tế cao.

Kỹ sư Trịnh Huy Đang, Giám đốc Công ty GCT Hải Dương cho biết: Kỹ thuật ghép là lấy mắt cây vải sớm ở Uông Bí (Quảng Ninh) ghép với gốc cây vải thiều Thanh Hà để cho ra sản phẩm vải sớm. Năm 2007, Công ty tiến hành ghép cải tạo vườn vải tại Xí nghiệp cây ăn quả Cầu Xe (huyện Tứ Kỳ), tạo ra giống cây vải thiều sớm rải vụ, hiệu quả kinh tế.

Để không phải trồng mới, mà lại được thu hoạch sớm, Công ty đã áp dụng kỹ thuật “ghép cải tạo” trực tiếp lên cành hoặc cắt toàn bộ tán đến cành cấp 2 rồi ghép các giống mới lên.

Qua 2 năm thực hiện, việc ghép cải tạo vườn vải thiều thành vườn vải chín sớm đã cho hiệu quả kinh tế cao. Chi phí đầu tư cải tạo vườn thấp, tốc độ sinh trưởng nhanh, thời gian và chu kỳ kinh doanh ngắn. Sau 12 tháng ghép, cây đã rộng bằng 1/3 tán gốc cây ghép. Sau 2 năm bằng 2/3 tán cây cũ. Sau 48 tháng, năng suất cây bằng thời điểm chưa cải tạo, đặc biệt, cây có khả năng cho thu hoạch sớm từ 15-20 ngày so với thời vụ chính.

Trong điều kiện đầu tư vật tư, phân bón và phòng trừ sâu bệnh như nhau, vườn ghép cải tạo vải thiều bằng giống vải chín sớm cho lợi ích kinh tế cao hơn, bởi giá 1 kg vải sớm 10.000-12.000 đồng, trong khi vải thiều chính vụ chỉ bán được từ 2.000-3.000 đồng/kg.

Hải Dương hiện có hơn 13.500 ha vải thiều, tập trung ở hai huyện Thanh Hà và Chí Linh. Mỗi năm, cây vải thiều cho thu hoạch trung bình hơn 62.000 tấn quả vải, thu hơn 130 tỷ đồng, chiếm 10-15% GDP của ngành nông nghiệp tỉnh.

Tuy nhiên, quả vải thiều đang gặp nhiều khó khăn bởi thời vụ thu hoạch ngắn (chỉ trong khoảng 1 tháng), trong khi sản lượng lại rất lớn. Vì vậy, vào thời điểm thu hoạch rộ, việc tiêu thụ khó khăn, vải thiều không được giá. Những năm qua, nhiều người chuyển sang trồng cây khác nên diện tích vải đã giảm đi 800 ha.

Hải Dương dự kiến chuyển 25% diện tích cây vải hiện có sang ghép cây vải sớm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục