Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ dự báo thời tiết nguy hiểm

Để phát triển mạnh mẽ, nâng cao vị thế trong công tác dự báo khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, cần thực hiện nghiêm túc và khẩn trương đề án hiện đại hóa công nghệ dự báo.
Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ dự báo thời tiết nguy hiểm ảnh 1Nhân viên trạm radar của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Bộ trực 24/24 để cập nhật những thông tin về thời tiết. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia - Đài Khí tượng Thủy văn cao không (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ 8 và kỷ niệm 45 năm ngày thành lập.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Gia Hiệp, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn cao không cho biết để phát triển mạnh mẽ, nâng cao vị thế trong công tác dự báo khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai tại các địa phương, cần thực hiện nghiêm túc và khẩn trương đề án hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn theo quy hoạch tại QĐ 16/2007 ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt tập trung vào việc khai thác triệt để kết quả các đề tài số hóa và tổ hợp ảnh radar vào phục vụ dự báo thời tiết nguy hiểm và dự báo cực ngắn; tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức trên thế giới nhằm khai thác và phát huy hiệu quả nghiệp vụ quan trắc khí tượng cao không đáp ứng yêu cầu của dự báo.

Các đại biểu đưa ra các ý kiến thảo luận tập trung vào các vấn đề trọng tâm của khí tượng cao không thời kỳ hiện đại hóa, đó là phải nghiên cứu tần suất xuất hiện sét ở Việt Nam và mối liên hệ của nó với cường độ phản hồi vô tuyến radar; nghiên cứu sử dụng các tham số sự báo 7 ngày điều kiện nhiệt động lực khí quyển từ mô hình cho dự báo và cảnh báo tại trạm radar; ứng dụng sản phẩm radar trong việc dự báo mưa…

Những năm gần đây tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, các hiện tượng khí tượng cực đoan diễn ra thường xuyên và khó dự báo, cảnh báo, ​hệ thống trạm quan trắc ra​dar thời tiết là thiết bị quan trắc hiện đại có thể cung cấp số liệu về mây và các hiện tượng thời tiết liên quan, trên một phạm vi rộng, trong thời gian ngắn khoảng 5-10 phút.

Số liệu radar đặc biệt có ý nghĩa đối với những khu vực không thể triển khai lắp đặt được các phương tiện quan trắc truyền thống.

Hiện trên lãnh thổ Việt Nam có 7 trạm với 8 radar, theo kế hoạch mở rộng và phát triển mạng lưới radar đã được phê duyệt sẽ được lắp đặt thêm 8 trạm nâng tổng số lên 15 trạm; mạng lưới khí tượng cao không đã hình thành cơ bản 4 hạng mục quan trắc chính gồm thám không vô tuyến, ozone-bức xạ cực tím, đo gió trên cao bằng kinh vĩ quang học và radar thời tiết.

Theo quy hoạch số 16 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, mạng lưới khí tượng cao không sẽ được bổ sung 2 hạng mục quan trắc mới là quan trắc gió phân tầng và định vị sét.

Đồng thời xây dựng trung tâm tích hợp, xử lý số liệu radar thời tiết hiện đại, đẩy mạnh việc khai thác số liệu radar thời tiết ở Việt Nam phục vụ đắc lực công tác cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục