Ứng dụng thương mại điện tử mở rộng thị trường

Hội thảo “Giải pháp Thanh toán trực tuyến toàn diện” giới thiệu giải pháp giúp các doanh nghiệp VN mở rộng thị trường ra thế giới.
Ngày 23/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Cổng thanh toán trực tuyến quốc tế PayPal.com và Ví điện tử, Cổng thanh toán nganlương.vn phối hợp tổ chức Hội thảo “Giải pháp Thanh toán trực tuyến toàn diện.”

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện giới thiệu giải pháp kinh doanh giúp các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến Việt Nam mở rộng thị trường ra toàn thế giới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, hiện việc tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp Việt Nam ngày càng sâu rộng và dần dần đi vào đời sống xã hội, hình thành thói quen, trở thành phương tiện thanh toán mới đối với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của các tổ chức, cá nhân trong việc liên kết với hệ thống ngân hàng càng tích cực hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử phát triển với nhiều phương thức thanh toán đa dạng.

Trong giai đoạn 2011-2015, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp triển khai dự án phát triển thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Tổng thư ký VECOM cho biết, một trong những yếu tố quan trọng nhất để phát triển thương mại điện tử, đó là phương tiện thanh toán trực tuyến.

Trong thời gian qua, các sở, ngành đã tăng cường xây dựng hệ thống pháp luật cũng như hành lang pháp lý tạo cơ sở vững chắc cho thương mại điện tử pháp triển bền vững.

Hội thảo lần này mang đến cho doanh nghiệp trong nước cơ hội ứng dụng giải pháp thanh toán trực tuyến toàn diện, các công cụ thanh toán trực tuyến nội địa đảm bảo an toàn cho người sử dụng, giúp doanh nghiệp bán hàng trực tuyến nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường…

Hiện có rất nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Việt là thành viên VECOM và hoạt động kinh doanh bằng thương mại điện tử; ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu, cung cấp dịch vụ thương mại điện tử…

Điều này cho thấy ngày càng nhiều đối tượng nhận thức được những lợi ích cũng như nhu cầu cần thiết trong việc ứng dụng, phát triển lĩnh vực thương mại điện tử trong hoạt động của đơn vị mình./.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục